Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Không để tình trạng Bộ luật Lao động chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn"

(Dân sinh) - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại cuộc họp triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động (sửa đổi). Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị tham mưu của Bộ cần tập trung toàn lực để xây dựng, hoàn thiện 14 Nghị định, 1 Quyết định và 8 Thông tư kịp tiến độ, nhưng vẫn phải đảm chất lượng khi luật lao động đi vào cuộc sống.

Thể chế hóa để đưa Bộ luật lao động vào cuộc sống

Sáng ngày 11/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức họp bàn đôn đốc việc xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Bộ luật Lao động 2019 (sửa đổi), sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2021. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân cùng lãnh đạo các đơn vị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để tình trạng Bộ luật Lao động chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Bình báo cáo tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng thể chế năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội diễn ra ngày 6/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết công tác xây dựng thể chế pháp luật của Bộ có lượng văn bản phải trình trong năm 2020 tương đối lớn, trải đủ từ lao động việc làm đến an sinh xã hội. "Với 96 đầu mục, nhiều gấp đôi năm 2019 nên từ nay đến quí 3-2020 các đơn vị của bộ cần tập trung toàn lực để nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung hoàn thiện 96 đề án này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

"Những văn bản được xây dựng có những nội dung rất phức tạp cần nghiên cứu thấu đáo như: vấn đề tổ chức đại diện của người lao động, quy định như điều kiện thành lập, vấn đề người đứng đầu tổ chức bộ máy, quyền liên kết. Rồi vấn đề tiền lương tối thiểu, tuổi nghỉ hưu ở vị trí cao hơn, vấn đề bình đẳng giới, quy định độ tuổi lao động trẻ em khi tham gia làm việc một số ngành, nghề có tính đặc thù…. tất cả những vấn đề đó các đơn vị phải nghiên cứu rất thấu đáo làm sao để vừa phù hợp với thực tiễn, giải quyết khúc mắc và phù hợp với các cam kết quốc tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Bộ trưởng yêu cầu, trước hết để thực hiện đúng cam kết trước Quốc hội, trước Chính phủ, khi Bộ luật Lao động có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, các văn bản dưới luật, các Thông tư do Bộ chịu trách nhiệm xây dựng cũng đồng thời được ban hành, không để tình trạng Bộ luật phải chờ Nghị định, Thông tư. Trong quá trình này, thời gian còn rất ngắn, tính tới thời điểm này thời gian chuẩn bị cho các văn bản chỉ còn 3 tháng, khi chậm nhất đến đầu tháng 6/2020 các dự thảo Nghị định, Thông tư phải đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân, các Bộ, ngành rộng rãi. Để thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Phải có quyết tâm chính trị cao và có cách làm khoa học để có thể hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ được đặt ra".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để tình trạng Bộ luật Lao động chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo các đơn vị của Bộ tập trung toàn lực, nỗ lực cao nhất để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Bộ luật lao động

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát những nội dung Quốc hội đã giao cho Chính phủ, cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.

"Việc Quốc hội đã giao thì tập trung thể chế hóa. Phải kế thừa được những chính sách hiện hành, những gì còn phù hợp thì kế thừa, những gì không phù hợp cần điều chỉnh, vừa đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước nhưng cũng đảm bảo phù hợp với thị trường lao động vận hành theo nền kinh tế thị trường, tránh áp đặt, tránh một chiều".

Theo Bộ trưởng, với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đều là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019. Đó là những vấn đề có tính chất nhạy cảm, phải nghiên cứu kỹ, đặc biệt đánh giá tác động sâu sắc, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với những đối tượng chịu tác động như người lao động, tổ chức đại diện người lao động, cơ quan quản lý người lao động. Trong vấn đề tổ chức này, phải làm đúng pháp luật, đúng quy định, đúng thẩm quyền, đồng thời thực hiện nội luật hóa những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đặc biệt những cam kết với tư cách tổ chức thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những nội dung có nội hàm tương đối gần nhau, tương đối đồng bộ thì ghép vào trong một nghị định, hoặc một thông tư, tích hợp chính sách, giảm tải chính sách để tránh tình trạng xây dựng và ban hành quá nhiều văn bản,

Đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước khi Bộ luật lao động đi vào vận hành

Trong tình hình cả nước đang vào cuộc dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham mưu soạn thảo các văn bản luật vẫn phải đảm bảo đúng quy trình, đúng nguyên tắc, lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Không để tình trạng Bộ luật Lao động chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn - Ảnh 4.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại cuộc họp.

"Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lấy ý kiến trên hệ thống báo chí của ngành, lấy ý kiến chuyên gia có uy tín để có những ý kiến sắc sảo hơn, những đóng góp thiết thực hơn, cho các văn bản đang xây dựng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường sự phối hợp với cơ quan thẩm định và trong nội bộ của các đơn vị thuộc Bộ.

Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương là đơn vị xây dựng nhiều văn bản nhất, với nội dung phức tạp nhất cần tăng cường sự chỉ đạo của lãnh đạo và chủ động ngay từ đầu.

Đối với lĩnh vực an toàn lao động, về những ngành nghề công việc nặng nhọc độc hại là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và được xã hội quan tâm, đây là lực lượng có quyền lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn và đảm bảo các quy định cần được đánh giá thấu đáo. Với Thông tư hướng dẫn này cần lấy ý kiến rộng rãi, đăng trên báo chí và làm việc với một số hiệp hội ngành nghề và Bộ Y tế trước khi trình Bộ trưởng ban hành. Tính toán giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp từ 0,5 % xuống còn 0,3 %; quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng việc xây dựng và ban hành Nghị định sẽ là nền tảng để tiến hành giải quyết triệt để tình trạng trốn nợ đóng bảo hiểm xã hội,  mở đường cho việc phát triển bảo hiểm tự nguyện để tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội đa tầng, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân trên cơ sở nguyên tắc đóng hưởng bình đẳng và chia sẻ.

Cho ý kiến về Thông tư quy định danh mục công việc nhẹ người đủ từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm, Bộ trưởng lưu ý, Thông tư phải cụ thể hóa tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đặc biệt về phòng ngừa những vấn đề xâm hại bạo lực trẻ em và lao động trẻ em trong tình hình mới, chống lao động cưỡng bức, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, vi phạm những điều ước quốc tế.

"Bộ luật Lao động đi vào vận hành sẽ mở đường xây dựng một quan hệ lao động mới, một thị trường lao động mới đồng bộ, hội nhập và lành mạnh, đảm bảo sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước..." - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.