Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc ở các làng nghề

(Dân sinh) - Bộ luật Lao động quy định, không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc ở các làng nghề, chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, bao gồm các nghề truyền thống và nghề thủ công mỹ nghệ.

Đối với các công việc này, các em phải được cha mẹ hoặc người đại diện cho phép và không được làm việc quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần, không được làm thêm giờ, làm việc ban đêm, không được ảnh hưởng đến công việc học tập của các em. Các em có độ tuổi đủ 15 đến dưới 18 tuổi cũng không được làm quá 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần, không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại… Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo hoặc phạt tù…

Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc ở các làng nghề - Ảnh 1.

Trẻ em tham gia hưởng ứng để đạt mục tiêu tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em.

Tuy nhiên, trên thực tế, các điều khoản về tiêu chuẩn lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng hàng hóa là khái niệm rất rộng, không chỉ bao hàm một quy trình sản xuất mà xét trong tổng thể lớn hơn, gồm cả các khâu khai thác nguyên, nhiên liệu đến cung ứng. Chúng ta xác định được việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Hơn nữa, việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em. Song, đến nay, việc quản lý lao động trẻ em ở các tỉnh, thành phố, bao gồm cả thủ đô Hà Nội với đặc thù vị trí địa lý cũng như tiềm năng kinh tế, vẫn còn nhiều bất cập, với nhiều góc độ khác nhau.

Lao động trẻ em là vấn đề cần đặc biệt được quan tâm trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tất cả các hiệp định quốc tế đều có tiêu chuẩn quy định tiêu chuẩn về lao động trẻ em. Khi Việt Nam phê chuẩn hiệp định TPP, một số mặt hàng không thể xuất khẩu đến những nước có tiêu chuẩn cao như EU, Mỹ... nếu trong sản phẩm có hàm lượng lao động trẻ em.

Có thế lấy ví dụ điển hình từ một số công ty sản xuất sôcôla nổi tiếng của Thụy Sỹ bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em. Thực tế, các công ty sản xuất sôcôla này không sử dụng lao đông trẻ em nhưng truy đến tận các đồn điền trồng cây ca cao làm nguyên liệu sản xuất ra sôcôla lại có trẻ em làm việc. Hay hiện nay một số công ty mỹ phẩm nổi tiếng châu Âu đang bị cáo buộc sử dụng lao đông trẻ em. Theo cáo buộc này, lớp nhũ sơn móng tay được làm từ các vỏ sò, vỏ ốc do những trẻ em Ấn Độ nhặt nên sản phẩm bị kết luận có sử dụng lao động trẻ em.

Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu và theo ước tính của ILO, có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Lao động trẻ em tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã, đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.