Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không hút thuốc vẫn có thể mắc ung thư phổi: Chuyên gia chỉ cách tốt nhất phát hiện bệnh sớm

Cách tốt nhất để phát hiện bệnh ung thư phổi sớm là tầm soát. Với những người hút thuốc, có yếu tố nguy cơ BS Chân khuyến cáo nên tầm soát ung thư 6 tháng 1 lần.

20.000 người tử vong mỗi năm

Nữ diễn viên Mai Phương mắc ung thư phổi khi cô còn quá trẻ. Các chuyên gia cho rằng ung thư phổi không trừ một ai kể cả phụ nữ không hút thuốc lá. Sự ra đi của nữ diễn viên khiến gia đình, bạn bè và người hâm mộ thương tiếc.

Theo TS Hoàng Đình Chân – nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết ung thư phổi hiện nay vẫn là căn bệnh ung thư có tỷ lệ cao trên thế giới.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo.

Không hút thuốc vẫn có thể mắc ung thư phổi: Chuyên gia chỉ cách tốt nhất phát hiện bệnh sớm - Ảnh 1.

Nữ diễn viên những ngày chống chọi lại bệnh ung thư

Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.

Cuối năm 2019, tại hội thảo khoa học nhằm cập nhật thông tin và những giải pháp mới hỗ trợ điều trị, phòng ngừa ung thư phổi do Bệnh viện K tổ chức, các chuyên gia của Bệnh viện K thông tin theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, 3 khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao nhất lần lượt là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, Việt Nam cũng là một trong những đất nước nằm trong các khu vực này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.

TS Chân cho biết ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: Suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong hệ thống gen và tác động bên ngoài môi trường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Thủ phạm ung thư phổi

TS Chân cho biết các nghiên cứu đều chỉ ra các yếu tố gắn chặt với ung thư phổi.

Thứ nhất, hút thuốc lá, đây là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Không hút thuốc vẫn có thể mắc ung thư phổi: Chuyên gia chỉ cách tốt nhất phát hiện bệnh sớm - Ảnh 2.

Ung thư phổi và biện pháp phòng ngừa

Vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Thứ hai, môi trường làm việc là yếu tố cũng tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, ni-ken, crôm và khí than, bụi kim loại.

Thứ ba, tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khi radon.

Theo TS Chân nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống của bệnh ung thư phổi trên 5 năm gần 45%. Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam thường có tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp, thậm chí có bệnh nhân chỉ kéo dài được 6 tháng.

Cách tốt nhất là tầm soát ung thư phổi. Với những người hút thuốc, có yếu tố nguy cơ TS Chân khuyến cáo nên tầm soát ung thư 6 tháng 1 lần. Những người khoẻ mạnh không hút thuốc cũng nên tầm soát 1 năm/lần.