Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không tăng giá điện trong năm 2020

(Dân sinh) - Cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Với chủ trương miễn, giảm giá trong 03 tháng cho một số đối tượng đã được Chính phủ thông qua thì tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo.

Đây tiếp tục là nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 178/TB-VPCP ngày 12/5/2020 của Văn phòng Chính phủ tổng hợp kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020.

Theo đó, ngày 13/5, Văn phòng Chính phủ cho biết vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2020.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã được Quốc hội đề ra và căn cứ các nghiên cứu, phân tích, đề xuất kịch bản điều hành giá đã được trao đổi, thống nhất, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường, giá cả phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Không tăng giá điện trong năm 2020 - Ảnh 1.

Cơ bản không tăng giá điện trong năm 2020 (Ảnh minh họa)

 Liên quan đến các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Thủ tướng nêu rõ:

Đối với mặt hàng điện: Cơ bản không xem xét điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2020. Với chủ trương miễn, giảm giá trong 03 tháng cho một số đối tượng đã được Chính phủ thông qua thì tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nhất là giảm giá điện đối với đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo.

 Đối với mặt hàng xăng dầu: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá ổn định hoặc không tăng giá đột biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước, hỗ trợ đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

 Đối với mặt hàng thịt lợn: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg, phấn đấu ngay trong tháng 4 và đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.

 Đối với mặt hàng thóc, gạo: Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dự trữ quốc gia và quyền lợi của người nông dân, người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.