Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch sốt rét

Tỷ lệ người dân trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ còn thấp tại một số địa phương và di biến động dân khiến sốt rét có nguy cơ bùng phát.

Hơn 12 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành

Theo Chương trình phòng chống sốt rét (PCSR), trong vùng có sốt rét lưu hành, một số khu vực người dân được bảo vệ còn thấp, trong đó, khu vực ven biển miền Trung số người được bảo vệ chỉ đạt 4,75% trong tổng số dân trong vùng có sốt rét lưu hành (139.359/2.931.527); số bệnh nhân sốt rét của khu vực ven biển miền Trung tăng 156,88% (691/269) so với cùng kỳ năm 2018.

 Giám sát 6 tháng đầu năm nay cho thấy một số tỉnh có sốt rét lưu hành cao, tỷ lệ phòng chống véc tơ còn thấp như: Tỉnh Phú Yên (chưa thực hiện phun và tẩm); Đắk Lắk (thực hiện tẩm màn bảo vệ 80.251 người, chiếm 5,41% so với dân số vùng sốt rét lưu hành; chưa thực hiện phun hóa chất); Gia Lai (thực hiện tẩm màn bảo vệ 16.977 người, chiếm 1,75 % so với dân số trong vùng sốt rét lưu hành; chưa thực hiện phun hóa chất).

Theo đánh giá của các chuyên gia chương trình PCSR, số người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành còn cao (trên 12 triệu người). Dân sống trong vùng sốt rét chủ yếu là dân nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên, vùng biên giới. Chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác PCSR.

Theo PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, ngoài vấn đề giám sát, quản lý PCRS cho đối tượng là dân di biến động vẫn còn là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay. Đặc biệt là những người dân đi làm ăn theo thời vụ từ vùng không có sốt rét và vùng sốt rét lưu hành nhẹ đến vùng sốt rét lưu hành vừa và nặng có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Kết quả PCSR chưa bền vững

Theo đánh giá của chuyên gia về PCSR, kết quả công tác PCSR đạt được đến nay không bền vững. Số người bị sốt rét biến động tăng trong những năm gần đây. Cụ thể: năm 2017, số người mang ký sinh trùng sốt rét tăng 9,3% so với năm 2016; năm 2018, số người bệnh mang ký sinh trùng sốt rét tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017; trong 6 tháng đầu năm 2019, số người mang ký sinh trùng sốt rét tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2018. Một phần nguyên nhân do hệ thống y tế cơ sở trong quá trình sáp nhập tuyến tỉnh, tuyến huyện; thay đổi, luân chuyển cán bộ dẫn đến hoạt động PCSR bị ảnh hưởng.

Theo Chương trình PCSR, các tháng cuối năm thường là thời kỳ mưa bão, lũ lụt, là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt rét phát triển, nhiều vùng có thể bùng phát dịch nếu không được giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời. Vì vậy các Viện, Trung tâm PCSR/Y tế dự phòng/Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối, bảo quản và sử dụng vật tư kinh phí PCSR của các đơn vị tuyến dưới; đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác chuyên môn. Chỉ đạo thực hiện tốt việc phân vùng dịch tễ sốt rét; tập trung giám sát và chỉ đạo các biện pháp PCSR có hiệu quả tại các trọng điểm sốt rét, chú ý đặc biệt các huyện, xã đang gia tăng số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét, vùng thiên tai lũ lụt; đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác chuyên môn.