Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7,8 tỷ USD

Ngày 30/11, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững ngành thủy sản”.

Theo Tổng cục Thủy sản, qua các tháng đầu năm 2019, ngành thủy sản gặp không ít khó khăn. Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp làm cho giá cá tra, tôm nguyên liệu giảm cũng như tác động của một số thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU giảm (ngoại trừ thị trường Nhật, Trung Quốc tăng).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7,8 tỷ USD - Ảnh 1.

Giá trị xuất khẩu thủy hải sản trong 10 tháng đầu năm 2019 giảm 2%.

Dù vậy ngành thủy sản giữ vững ổn định sản xuất và nhịp độ tăng trưởng về sản lượng. Kết quả sản xuất thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì tăng trưởng khá cao.

Tổng sản lượng ước đạt hơn 7.000 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 82,6% kế hoạch năm 2019, trong đó sản lượng khai thác trên 3.200 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng hơn 3.460 nghìn tấn.

Tuy nhiên do giá trị thủy sản xuất khẩu sụt giảm, trong 10 tháng tính từ đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, vừa qua, việc cảnh báo thẻ vàng EC đối với hải sản khai thác đã làm các doanh nghiệp xuất khẩu bị kiểm tra gần như 100% lô hàng và thời gian kiểm tra kéo dài gây tốn kém. Bên cạnh đó, việc sản xuất thủy sản vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết; Hạ tầng phục vụ thủy sản yếu kém, lạc hậu, thiếu đầu tư, thất thoát sau thu hoạch lớn; Chuỗi liên kết trong hoạt động thủy sản còn rời rạc, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành thủy sản thiếu trầm trọng… Những hạn chế tồn tại này đã nhiều năm, cần nhanh chóng khắc phục.

Ông Phùng Đức Tiến yêu cầu, trước mắt, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tích cực phối hợp với các ngành liên quan và doanh nghiệp… đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt 2,44 tỷ USD.

"Để xuất khẩu sang các thị trường, kể cả thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, thì phải có 2 tiêu chí bắt buộc quan trọng, đó là truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Riêng về truy xuất nguồn gốc, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục thủy sản cùng các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi phải gắn với mã số, để truy xuất được lô sản phẩm ấy, trong quá trình nuôi phải ghi chép rất tỉ mỉ theo yêu cầu của VietGap thì chúng ta mới có thể hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng và tự tin được", ông Phùng Đức Tiến cho hay.