Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Kỹ năng yếu khiến lao động thất thế

(Dân sinh) - Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao. Đây được xem là nét chấm phá trong bức tranh thị trường lao động Việt Nam.


Kỹ năng yếu khiến lao động thất thế - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Công nghệ thông tin: Vị trí dẫn đầu

Thị trường lao động Việt Nam được ghi nhận đang có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực. Theo Bộ LĐ-TB&XH, cho đến nay, tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 35%.

Những điều kiện khách quan trong hội nhập quốc tế, cùng các chính sách phát triển đã tạo một thị trường lao động theo xu hướng nâng cao chất lượng việc làm, cũng như trình độ kỹ năng của người lao động.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, Chính phủ xác định tái cơ cấu theo hướng hiện đại. Các ngành triển vọng lớn, có khả năng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến được ưu tiên, đòi hỏi số lượng lớn kỹ sư công nghiệp ứng dụng, công nghệ thông tin.

Tiếp theo là các nhóm ngành kinh tế - tài chính, nhóm ngành nghề khối dịch vụ như du lịch, khách sạn… chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, y tá. Cùng với đó là khoa học y sinh cũng được đánh giá là nhóm ngành tiềm năng.

Thông tin của trang tuyển dụng trực tuyến Vienamwork cũng cho thấy, sự tương đồng trong các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2019, bao gồm: Tài chính/đầu tư, Bán hàng, IT/Phần mềm, Maketing, Chăm sóc khách hàng, Kiểm toán, Internet/Online Media và xây dựng...

Đặc biệt, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) được dự báo, năm 2020 Việt Nam sẽ cần tới 1,2 triệu nhân sự trong lĩnh vực này.

Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuyển dụng nhân sự Navigos Group cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT ngày càng tăng cao trong kỷ nguyên số hóa dẫn đến việc thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp nhiều thách thức.

Sự khan hiếm nhân lực có chuyên môn công nghệ mới như Blockchain và AI dẫn đến sự mất cân đối về mức lương trên thị trường tạo ra nguy cơ nhóm nhân lực có chuyên môn “không còn là xu hướng” sẽ thất nghiệp.

Đối với những chuyên môn công nghệ mới, doanh nghiệp có thể chủ động đào tạo cho nhân tài tiềm năng nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực có chuyên môn “không còn là xu hướng”.

Chênh lệch giữa kỹ năng và việc làm

Dự báo nhu cầu nhân lực trong khối cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm mới trong khu vực. Trong đó, Việt Nam chiếm khoảng 1/6 tổng lực lượng lao động.

Xu hướng nghề nghiệp trong năm 2020, nhu cầu nhân lực của những nghề cần kỹ năng cao và tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh hơn với khoảng 28%.

Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy, 53% số việc làm trên cả nước cần kỹ năng trung bình, 12% đòi hỏi kỹ năng cao. 36% còn lại là việc làm kỹ năng thấp.

Bà Valentina Barcucci - Chuyên gia Kinh tế lao động, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng: Nhiều thách thức về việc làm bền vững trong thị trường lao động Việt Nam xuất phát từ vấn đề kỹ năng.

Việt Nam có khoảng 19 triệu lao động phi chính thức, số lao động trong khu vực này sẽ giảm nếu trình độ học vấn tăng lên. Thu nhập tăng lên cùng sự tăng lên của kỹ năng. Ít giờ làm thêm hơn nếu kỹ năng cao hơn. Cải thiện chất lượng việc làm trong khu vực lao động này của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên, để đạt mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đang tạo ra nhiều việc làm có kỹ năng cao hơn. Tuy nhiên, chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng là những yếu tố khiến cung - cầu lao động không gặp được nhau.

Cụ thể bao gồm những bất cập cần được giải quyết như yêu cầu của một công việc và lao động có thể làm được những gì trong việc đó. Số lượng sinh viên tốt nghiệp và số lượng việc làm cho những sinh viên này. Việc làm tại doanh nghiệp và số lượng ứng viên thích hợp cho vị trí việc làm.