Quay lại Dân trí
Dân Sinh

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới

(Dân sinh) - “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” câu khẩu hiệu ấy cũng chính là tâm niệm của những người lính mang quân hàm xanh nơi biên cương khi gắn bó máu thịt với dân, giữ trọn vẹn từng ngọn núi, dòng sông của cha ông để lại. Giờ đây, khi cả nước căng mình chống đại dịch Covid-19, tinh thần ấy càng bừng sáng hơn để các anh mãi xứng đáng là “lá chắn thép” giữ bình yên cho hậu phương.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 1.

Đoàn liên ngành kiểm tra thân nhiệt tại chốt kiểm soát Mốc 311.

 Chiều biên giới ở Chốt kiểm soát Mốc 342 Đồn Biên phòng Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) như nặng trĩu bởi sương mù bao phủ các sườn núi. Giữa tháng 4, trong tiết trời se se lạnh của rét nàng Bân cùng những cơn mưa rừng suốt nhiều ngày khiến cho không gian hiu quạnh hơn.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 2.

Đóng lưng chừng núi, Chốt kiểm soát Mốc 342 hướng về phía đường biên. Chốt cách trung tâm xã Tam Thanh chừng 15km, nơi gần nhất là bản Kham cũng chừng 10km, địa hình vô cùng hiểm trở. Chốt kiểm soát Mốc 342 là chốt chặn cuối cùng trước khi qua biên giới. Phía bên kia Mốc chỉ vài trăm mét là Chốt kiểm soát bản Piềng Pưa, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, (Lào).

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 3.

Trong gian nhà ghép tạm bằng những mảnh bìa ván mỏng, không có điện, sóng điện thoại lúc có, lúc không. Mưa, sương mù bao phủ suốt nhiều ngày làm ánh sáng từ chiếc đèn tích điện compact nạp vội bằng nguồn năng lượng mặt trời không đủ soi rõ mặt người. Những người lính biên phòng không ai bảo ai mỗi người một việc chuẩn bị cho bữa tối sau một ngày dài hành quân tuần tra, kiểm soát đường biên.

Treo lại cẩn thận chiếc áo tuần tra lên móc, Trung tá Hoàng Văn Đạt, Tổ trưởng Chốt kiểm soát Mốc 342 bảo với chúng tôi rằng: "Nhiệm vụ chính của anh em biên phòng Đồn Tam Thanh là bảo vệ, giữ vững trật tự, đảm bảo an toàn hơn 22km đường vành đai biên giới, bảo vệ rừng. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, với mục tiêu kiên quyết "chống dịch như chống giặc" không để xảy ra tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới, ngay từ khi công bố dịch, những người lính Đồn Biên phòng Tam Thanh được tăng cường lên trực chiến tại các chốt kiểm soát cố định và cơ động để tuần tra, kiểm soát khép kín trên tuyến biên giới 24/24 giờ".

Trung tá Đạt kể, hàng ngày, anh cùng cán bộ ở Chốt kiểm soát chia làm hai tổ tuần tra. Công việc đều đặn chốt chặn hơn 2 tháng nay ở tuyến đường chính, lại thường xuyên băng rừng, lội suối kiểm tra các tuyến đường tiểu ngạch, cột mốc, cọc dấu, đường biên để nắm bắt, sớm phát hiện, ngăn chặn người trong nước qua nước bạn và từ nước bạn qua Việt Nam. Từ khi dịch bệnh bùng phát, đường biên giới hai nước Việt - Lào phong tỏa cả Chốt chưa phát hiện trường hợp nào vượt biên trái phép…

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 4.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 5.

Cán bộ đồn biên phòng Tam Thanh tuần tra tại chốt kiểm soát Mốc 342.

"Mấy hôm liền mưa liên tục, trời lạnh và nhiều sương mù, việc đi tuần vất vả hơn. Ở trên này lâu cũng quen, ngày nắng còn có điện năng lượng mặt trời thắp sáng, mấy hôm nay ánh sáng yếu không đủ làm tấm pin mặt trời hoạt động, giờ thì chịu. Kể từ khi Chốt được tăng cường, vừa tuần tra, kiểm soát, anh em tuyên truyền cho bà con khu vực biên giới không xuất cảnh, vượt biên trái phép. Muốn xuất, nhập cảnh phải qua cửa khẩu và thực hiện cách ly theo quy định. Ban đầu, người dân các xã biên giới nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19, sau khi Đồn phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tỏa đi các thôn, đến từng nhà tuyên truyền theo phương thức "mưa dầm thấm lâu" nên bà con đã hiểu, tự biết cách phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và bảo vệ cộng đồng. Chốt kiểm soát vì thế không có người qua lại…", Trung tá Đạt nói.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 6.

Bộ đội biên phòng Tam Thanh cùng lực lượng y tế xã kiểm tra, chốt chặn trước khi vào địa bàn.

 Vừa trở về từ Chốt kiểm soát Suối Trăng, Đại úy Cao Đình Xuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết: "Ngoài Mốc 342, Đồn còn 1 tổ công tác ở Suối Trăng (Mốc 347) cách đồn 35km, giáp bản Cân, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Khu vực này đường rừng hiểm trở. Ngày nắng nhưng sương mù lúc nào cũng dày đặc. Các chiến sĩ của Đồn, lực lượng tăng cường từ Bộ chỉ huy phải "ăn lán, ngủ rừng" và thường xuyên thay phiên nhau lên khu vực này bám biên tại các đường mòn, lối mở. Tuyệt đối không cho người qua lại biên giới trong thời gian dịch bệnh phức tạp".

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 7.

 Cách bản Khằm Nàng, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào) chừng 300m, lại nằm cạnh tuyến đường huyết mạch 15C về trung tâm huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Mốc G9 (nay là Mốc 311) luôn là điểm nóng về ma túy, vượt biên trái phép. Nhiều chuyên án lớn đấu tranh phá ma túy từ biên giới Việt - Lào đưa về Thanh Hóa và các tỉnh phía bắc tiêu thụ cũng bị triệt phá tại đây. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, ngăn chặn thẩm lậu ma túy qua biên giới trong thời điểm phức tạp, Chốt kiểm soát liên ngành Mốc 311 được thành lập ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ngoài lực lượng biên phòng làm nòng cốt, Chốt còn có thêm công an, dân quân tự vệ và nhân viên y tế xã.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 8.

Cán bộ đồn biên phòng Pù Nhi tuần tra tại chốt kiểm soát Mốc 311..

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 9.

Phút nghỉ ngơi sau chặng đường tuần tra vẫn được các anh cảnh giác cao độ.

Đại úy Nguyễn Quang Huy, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết:  "Tuyến đường quốc lộ 15C trải dài qua địa bàn các xã biên giới Pù Nhi, Nhi Sơn lại nằm song song với tuyến đường biên giới Việt - Lào. Có đến 98% người Mông sống dọc đường biên. Trình độ dân trí thấp, người dân chủ yếu sống dựa vào lâm nghiệp, trồng trọt. Tại Mốc 311, bản Khằm Nàng (Lào) có 51 hộ, 365 nhân khẩu, nhiều hộ có huyết thống anh em, thường xuyên giao thương với người dân các bản bên xã Pù Nhi, Nhi Sơn. Thời điểm này đang là Tết của Lào. Trong khu vực hơn 22km đường biên Đồn phụ trách địa hình hết sức phức tạp, lực lượng mỏng, trên 20 đường mòn, lối mở qua lại với bản Khằm Nàng nên việc kiểm soát phòng dịch, ngăn chặn ma túy hết sức khó khăn".

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 10.

Nhà ở của cán bộ Đồn biên phòng Tam Thanh tại chốt kiểm soát Mốc 342.

 Ăn, ở ngay tại Chốt kiểm soát Mốc 311 với anh em cán bộ Đồn và lực lượng liên ngành từ khi chốt thành lập, Tổ trưởng chốt 311, Thượng úy Đỗ Đình Sơn, Trạm trưởng Trạm biên phòng Kéo Hượn, Đồn biên phòng Pù Nhi cho biết: Khu vực các bản xung quanh Mốc 311 kiểm soát có nhiều đối tượng nghiện, phức tạp về trật tự an ninh xã hội. Là rốn ma túy của tỉnh Thanh Hóa, nhiều đối tượng trên địa bàn thường xuyên qua lại bản Khằm Nàng mua và sử dụng ma túy. Kể từ ngày lập chốt tại đây, bà con tại xã Pù Nhi, Nhi Sơn và Mường Lý chấp hành tốt các quy định, không vượt biên trái phép. Tuy nhiên, Chốt liên ngành đã phát hiện hai đối tượng người Mường Lát vượt biên trái phép qua đường tiểu ngạch ở bản Kéo Té, xã Nhi Sơn qua bản Khằm Nàng. Đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính, báo cáo lên Ban chỉ đạo đưa về cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

Chuẩn bị bữa cơm sau ngày tuần tra của bộ đội biên phòng chốt 342.

"Người Mông ở các bản làng vùng cao vốn thông thạo địa hình, giỏi đi rừng. Nếu mình lơ là, các đối tượng xấu dễ lợi dụng hôm sương mù, mưa lớn để vượt biên. Khu vực Chốt xa trung tâm dân cư, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Anh em tổ công tác phải dựng lán phủ bạt ngay gần Mốc, lắp đường ống nước đưa về sinh hoạt. 

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 12.

Dẫn nước về sinh hoạt tại chốt kiểm soát Mốc 311.

Hôm nắng nóng, hôm mưa dầm, đêm sương mù giăng lạnh buốt nhưng anh em ở Chốt đều đảm bảo túc trực 24/24, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, không cho phép các đối tượng qua lại khu vực biên giới…", Thượng úy Sơn thông tin.

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 13.

Ra trường, về công tác 7 năm tại phía Nam, sau đó chuyển về công tác tại Thanh Hóa, gắn bó với đường biên giới, bà con dân bản như quê hương thứ hai của mình, nhắc chuyện gia đình, Đại úy Cao Đình Xuân bảo: "Nhiều anh em công tác tại Đồn còn trẻ, lại xa nhà, mỗi khi vợ con có dịp lên thăm đều được Đồn tạo điều kiện hết mức. 

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 14.

Kể từ ngày có dịch mình cũng thường xuyên đi lên Chốt với anh em. Vừa tiếp tế lương thực, thực phẩm, động viên anh em, nắm bắt tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động bà con không vượt biên trái phép, phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên ít có dịp về thăm nhà hơn. Ở nhà có hậu phương vững chắc nên yên tâm công tác. Khi nào dịch hết sẽ về thăm vợ, con".

Ở trên Chốt thường xuyên, không có điện, mọi thông tin không được cập nhật, Trung tá Hoàng Văn Đạt cho biết: "Anh em ở Chốt chỉ mong sao có sóng radio, có sóng điện thoại để nghe tin tức thời sự, nắm được tình hình dịch bệnh. Những buổi chiều ở Chốt, nhớ vợ, con, muốn nói chuyện cũng đành chịu, phải chờ dịp về Đồn mới có sóng điện thoại để liên lạc. Vợ con cũng hiểu, chia sẻ, nên anh em ai cũng yên tâm".

Khó khăn, vất vả là vậy, ở nơi tuyến đầu biên giới chống dịch Covid-19, bảo vệ vững chắc cột mốc, đường biên, những người lính quân hàm xanh vẫn ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi. Các anh là những "lá chắn thép" với tinh thần hy sinh cao cả, vượt qua mọi khó khăn thử thách chỉ với niềm tin giữ vững bình yên cho hậu phương...

"Lá chắn thép" ở vành đai biên giới - Ảnh 15.

Cán bộ đồn biên phòng Tam Thanh tuần tra tại chốt kiểm soát Mốc 342.