Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làm gì để giúp con kiểm soát tốt hành vi của mình

(Dân sinh) - Tiến sĩ Bùi Hồng Quân giải thích, việc đứa trẻ kiểm soát hành vi tốt hay không còn tùy thuộc vào khí chất, hệ thần kinh. Trẻ có tính cách nóng nảy sẽ dẫn đến những hành vi thái quá so với cách nhìn nhận của người bình thường.

Tại Điều con muốn nói, cậu bé 9 tuổi Việt Nhân đặt vào Chiếc hộp bí mật một mảnh giấy nhỏ với những dòng chữ nắn nót: “Mong mẹ hiểu con hơn”. Em thổ lộ với tiến sĩ Bùi Hồng Quân có những chuyện mẹ đã đứng giúp em giải quyết nhưng em vẫn mong mẹ hiểu cảm xúc thực sự của em. 

Việt Nhân kể, đây là lần hai em viết lời nhắn gửi cho mẹ. Lần đầu tiên là khi em tham dự trại hè trong 5 ngày, Việt Nhân đã trốn trong toilet khóc vì nhớ mẹ. Sau đó, em đã viết một bức thư cho mẹ mình.

Làm gì để giúp con kiểm soát tốt hành vi của mình - Ảnh 1.

Mẹ đã đứng giúp em giải quyết nhưng em vẫn mong mẹ hiểu cảm xúc thực sự của em.

Gần lên lớp 3, mẹ cho Việt Nhân học ở một ngôi trường ngoại khóa chuyên sâu giúp con trẻ phát triển các kỹ năng mềm. Tuy nhiên, các bạn đã học và chơi với nhau từ trước nên em cảm thấy cô đơn và không hòa hợp tại đây, nhưng mẹ “lỡ” đăng ký 5 tuần học: “Thời gian đó, con cảm thấy cô đơn, cảm giác các bạn xa lánh con. Một hôm, con mặc một cái áo có in một hình lạ, bạn gái chọc ghẹo con”.

 Chị Minh Châu cho biết Việt Nhân thông minh, tình cảm cũng như thích kết bạn nhưng con gặp vấn đề trong kiểm soát bản thân, tính cách nóng nảy, dễ giận và có những hành động bốc đồng. “Từ khi học mầm non, tôi nghe giáo viên kể rằng con hay chọc ghẹo, nóng nảy, đôi lúc đánh bạn vì nghĩ bạn ghét và ức hiếp con. Việt Nhân đôi lúc lo lắng, căng thẳng thái quá. Tôi nói với con nếu gặp vấn đề thì con nên nói trực tiếp với bạn hoặc cô giáo. Tôi cũng lên gặp cô giáo và nhờ một anh quản lý lớp hỗ trợ, quan sát con. Tôi nghĩ giải pháp của mình là đúng nhưng sau này con vẫn nhắc lại “cú sốc” đầu đời vì bị bạn ăn hiếp. Tôi suy nghĩ nhiều về cách giải quyết có thật sự tốt cho con hay chưa?”

Làm gì để giúp con kiểm soát tốt hành vi của mình - Ảnh 2.

chị Minh Châu thay đổi phương pháp giáo dục, tích cực lắng nghe, giải thích cho con trai mọi việc

Từ đó, chị Minh Châu thay đổi phương pháp giáo dục, tích cực lắng nghe, giải thích cho con trai mọi việc. Chị hướng con đến một cuộc sống tích cực bằng các hoạt động từ thiện, cộng đồng. “Tôi khuyên con nhìn mọi người với ánh mắt chan hòa, yêu thương, biết cảm thông, không bực bội ai thì mọi việc sẽ đơn giản. Con cũng được mọi người yêu thương hơn. Hiện tại, Việt Nhân đã cải thiện được sự nóng tính và giao lưu, chơi cùng với nhiều bạn ở trường”, chị chia sẻ. 

Lắng nghe câu chuyện, MC Ốc Thanh Vân nhận xét Việt Nhân trước đây tuy khó kiểm soát cảm xúc nhưng mẹ kịp thời thay đổi phương pháp giáo dục cho em, chị Minh Châu là một người mẹ bản lĩnh, vì nếu không đủ kiên nhẫn, cố gắng thấu hiểu, đứa trẻ sẽ dần trở nên tiêu cực. “Nếu trẻ không học cách cân bằng cảm xúc, khi trưởng thành với sự thay đổi môi trường con sẽ chới với, vấn đề càng chồng chất hơn. Vì thế, mẹ chọn giải pháp thay đổi bản thân, nếp sinh hoạt lẫn phương pháp giáo dục, trở thành người mẹ đầy ắp tình thương lẫn trí tuệ trong việc giáo dục cảm xúc cho con”.

Làm gì để giúp con kiểm soát tốt hành vi của mình - Ảnh 3.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân giải thích, việc đứa trẻ kiểm soát hành vi tốt hay không còn tùy thuộc vào khí chất, hệ thần kinh

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân giải thích, việc đứa trẻ kiểm soát hành vi tốt hay không còn tùy thuộc vào khí chất, hệ thần kinh. Trẻ có tính cách nóng nảy sẽ dẫn đến những hành vi thái quá so với cách nhìn nhận của người bình thường. Bên cạnh những khóa học giúp phát triển trí tuệ cảm xúc, gia đình cần cởi mở, lắng nghe những suy nghĩ của con một cách chân thành nhằm giúp con bộc lộ, nhận diện được cảm xúc, không áp đặt mà để con tự do bày tỏ suy nghĩ.