Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Làm việc online thời Covid-19

(Dân sinh) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp chuyển sang phương thức làm việc trực tuyến (online) để giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Đây được coi là một trong những giải pháp trước mắt giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng…

Doanh nghiệp: Cho nhân viên làm việc từ xa

Gần một tuần nay, vào mỗi buổi sáng, thay vì phải đến văn phòng làm việc, chị Lan Anh (phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đi chợ về là ngồi ngay tại nhà làm việc với chiếc máy tính xách tay. Là nhân viên hành chính, tổng hợp của một công ty cung cấp thiết bị giáo dục, khi dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội, công ty đã cho nhân viên được làm việc tại nhà trừ những trường hợp đặc biệt, những bộ phận có lịch làm việc với đối tác, khách hàng  mới phải đến cơ quan. "Tuy làm việc tại nhà nhưng công ty yêu cầu phải đảm bảo công việc được giao và chế độ báo cáo thường xuyên bằng email, điện thoại. Các cuộc họp cũng được "kích hoạt" chế độ họp online. Do đó, làm việc ở nhà nhưng bận hơn cả đi làm", chị Lan Anh nói.

Hồng Hạnh từng là một phóng viên, giờ chuyển sang làm nhân viên cho một công ty truyền thông, tổ chức sự kiện  ở Hà Nội cho biết, do đang trong thời kỳ dịch bệnh cao điểm,  nên tất cả các sự kiện tập trung đông người đều bị hủy. Vì thế, công ty cũng tranh thủ cho nhân viên làm việc online. "Đối với tôi như thế cũng tiện vì hai đứa con nhỏ đang phải nghỉ học, rất khó thu xếp người trông nom. Làm việc ở nhà tôi cũng đỡ thêm một mối lo. Tôi nghĩ, cho phép nhân viên làm việc online trong thời kỳ này của nhiều doanh nghiệp không chỉ giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn giúp giảm bớt lo lắng của nhiều cán bộ, nhân viên có con nhỏ trong độ tuổi đi học trong việc sắp xếp công việc, người trông nom con trẻ…", chị Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, Bảo Anh - sinh viên mới ra trường đang trọ ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, do các trung tâm dịch vụ việc làm tạm thời dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp nên cô ở nhà tìm việc qua mạng.  "Em tham gia phiên giao dịch việc làm online của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Đã được một công ty phỏng vấn trực tuyến và được hẹn gặp trực tiếp tại công ty. Trong lúc nhiều người có nguy cơ mất việc vì Covid-19 mà mình có cơ hội tìm được việc làm thế cũng đã may mắn lắm rồi".

Anh Hoàng Anh Tuấn, chủ một công ty phần mềm trên phố Xã Đàn cho biết, do đặc thù của công ty chuyên về công nghệ nên ngay từ khi có dịch anh đã cho hơn chục nhân viên của mình ở nhà làm việc online.

"Làm việc qua mạng cũng có những hạn chế nhất định, nhưng với một công ty chuyên về công nghệ như chúng tôi thì đơn giản hơn rất nhiều. Xét cho cùng là hiệu quả công việc, dù làm việc online nhưng các thành viên vẫn thường xuyên trao đổi công việc cũng như hoàn thành công việc theo kế hoạch. Vả lại, làm việc trực tuyến giữa thời Covid-19  không chỉ là cách con người tận dụng tối đa thứ vũ khí sắc bén mang tên công nghệ, là cách để phòng, chống loại virus đang lây lan mạnh mà còn là minh chứng cho thấy thế giới vẫn đang tiến về phía trước và nhất quyết không thể đầu hàng trước dịch bệnh", anh Tuấn nói.

Làm việc online thời Covid-19 - Ảnh 1.

Phỏng vấn xin việc trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội

Các Bộ, Ngành tăng cường họp hành, làm việc trực tuyến

Thời gian gần đây Chính phủ và các bộ, ngành đều tăng cường chỉ đạo, điều hành trực tuyến, hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tập trung đông người.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn, hơn một tuần nay, Bộ LĐ-TB&XH, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chuyển sang  tổ chức họp trực tuyến qua Hệ thống điều hành trực tuyến của Bộ với 7 điểm cầu tham dự là Lãnh đạo Bộ và Thủ trưởng một số đơn vị.

Tại cuộc họp trực tuyến, Lãnh đạo Bộ đã trao đổi trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ ngay tại phòng làm việc thông qua thiết bị đầu cuối. Tại điểm cầu các đơn vị, lãnh đạo đơn vị có thể triệu tập thêm các cán bộ liên quan tham dự để nắm bắt được ngay sự chỉ đạo của Bộ. Đối với Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị đang đi công tác, có thể sử dụng thiết bị di động (iphone, ipad, điện thoại android) để tham gia họp. Trong quá trình trao đổi, có thể trình chiếu các file văn bản, số liệu, hình vẽ… có liên quan thông qua hệ thống điều hành trực tuyến.

Tại buổi họp trực tuyến đầu tiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã yêu cầu các đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và của Bộ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Đồng thời, Bộ trưởng  cũng  đề nghị các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị của Bộ. Trước đó, Bộ đã có văn bản  yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó Bộ yêu cầu các đơn vị tạm hoãn các cuộc họp của Bộ và các cuộc hội nghị, hội thảo tập trung đông người ở Bộ.

Tương tự,  ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng giám đốc Đài Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết, để bảo vệ sức khỏe  cũng như đảm bảo công tác phòng chống dịch, Tổng Giám đốc Đài cũng đã yêu cầu, mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến cơ quan như: đeo khẩu trang, dùng cồn, xà phòng sát khuẩn, tránh giao tiếp gần; tránh vào chỗ đông người nếu không thực sự cần thiết…thì Đài cũng không tiếp khách bên ngoài nếu chỉ nhằm mục đích thăm hỏi, gặp gỡ thuần túy. Các đơn vị cấp ban, phòng của Đài cũng tạm thời không họp giao ban ngày, tuần, tháng; không tổ chức các hội nghị, hội thảo. Đặc biệt,  Lãnh đạo Đài khuyến khích mọi người, mọi bộ phận trao đổi, chỉ đạo, thông tin qua điện thoại, email, trang tin nhóm công tác trên viber, zalo...

Tòa án nhân dân tối cao mới đây cũng ban hành Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19 trong hệ thống Tòa án nhân dân. Trong đó, yêu cầu các tòa án  tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp giải quyết, tạm dừng việc triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến tòa đối với các vụ án, vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định. Khi bắt buộc phải mở phiên tòa, phiên họp thì tòa án chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa, phiên họp. Bên cạnh đó, Chánh án TAND Tối cao cũng yêu cầu các tòa án tăng cường xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc bằng phương thức trực tuyến (online) khi có đủ điều kiện…