Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lạng Sơn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của địa phương

(Dân sinh) - Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Lạng Sơn đào tạo được trên 115,5 nghìn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% (năm 2010) lên 55% (năm 2020).

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2011, Tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ cấp tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo, triển khai việc thực hiện.

Lạng Sơn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của địa phương - Ảnh 1.

Lạng Sơn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của địa phương

Đồng thời xây dựng và ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020" với mục tiêu: Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn;

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Tạo bước đột phá, tăng tốc về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2015 đạt trên 45%, đến năm 2020 đạt trên 55%.

Giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm tỉnh Lạng Sơn đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ cho 15.000 LĐNT, hết giai đoạn đào tạo nghề cho 77.523 người, trong đó: Cao đẳng nghề khoảng 2.539 người; Trung cấp nghề 6.686 người; dạy nghề dưới 12 tháng cho 68.298 người.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 45 % trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 35 - 37% vào năm 2015; đào tạo, bồi dưỡng cho 14.300 lượt cán bộ, công chức cấp xã; Giai đoạn 2016 – 2020: Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.600 LĐNT, hết giai đoạn đào tạo nghề cho 78.477 người, trong đó: Cao đẳng nghề 5.000 người; Trung cấp nghề 15.000 người; dạy nghề dưới 12 tháng cho 58.477 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 45 - 48%. Đào tạo bồi dưỡng cho 14.900 lượt cán bộ, công chức cấp xã.

Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đào tạo được trên 115,5 nghìn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% (năm 2010) lên 55% (năm 2020).

Các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, bảo đảm 100% đối tượng tham gia học nghề được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ… Đặc biệt, công tác đào tạo được quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, các xã được lựa chọn chỉ đạo điểm đạt chuẩn nông thôn mới.

Bà Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu thực tế, gắn với cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; quan tâm công tác phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo; rà soát, đánh giá nhu cầu lao động của thị trường đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, đánh giá hiệu quả của cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy nghề đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề; sự tác động của đào tạo nghề lên việc thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới; tình trạng thiếu lao động làm việc ở nông thôn.

Lạng Sơn: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế của địa phương - Ảnh 3.

Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh Lạng Sơn đã đào tạo được trên 115,5 nghìn lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33% (năm 2010) lên 55% (năm 2020).

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục coi đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Qua đó thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo các trình độ trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo từng năm, từng giai đoạn sát với thực tế nhu cầu người học và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng trong thời gian tới cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề, các mô hình về đào tạo gắn với tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo; các sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời các cấp, ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT; định hướng, tư vấn nghề cho lao động lựa chọn; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học nghề…