Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lebanon và câu chuyện tình người nở rộ: Giữa thảm họa, người dưng cũng hóa người thương

Vụ nổ thảm họa cấp quốc gia tại Lebanon đã khiến đất nước thêm phần khó khăn. Nhưng giữa thảm họa, vẫn còn đó sự ấm áp của tình người.

*Lược dịch từ bài viết của Vivian Yee, phóng viên tạp chí New York Times tại Lebanon

Chiều hôm ấy (4/8), tôi mới chỉ đang xem đoạn video do bạn gửi qua, rằng "khu cảng có vẻ đang cháy." Thế rồi cả tòa nhà tôi đang ở rung chuyển trong tiếng nổ kinh hoàng nhất mà tôi từng chứng kiến. Một cách ngây thơ, tôi chạy ra cửa sổ, rồi quay về bàn làm việc để kiểm tra.

Và rồi một tiếng nổ nữa vang lên, còn lớn hơn lần trước, kèm theo đó là sự phá hoại toàn diện. Cửa kính vỡ tung, thủy tinh văng tung tóe. Chẳng nghĩ được gì nhiều, tôi chui vội xuống gầm bàn.

Sự chấn động rồi cũng đến lúc chấm dứt. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả, vì máu giờ đã chảy đầy mặt. Sau khi quệt qua giọt máu rơi xuống mắt, tôi nhìn quanh phòng và thấy một đống đổ nát. Cánh cửa trước bị thổi bay, văng lên chiếc bàn ăn. Tôi lúc đó chẳng tìm thấy gì nữa, hộ chiếu không, đến một đôi giày cũng chẳng có.

Lebanon và câu chuyện tình người nở rộ: Giữa thảm họa, người dưng cũng hóa người thương - Ảnh 1.

Vụ nổ chấn động tại Beirut, Lebanon

Sau đó, có người nói với tôi rằng, những người Beirut theo bản năng được trui rèn trong cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở quốc gia này đã chạy ra ngoài hành lang ngay khi nghe tiếng nổ đầu tiên. Họ tránh được thương tổn từ những mảnh kính cửa sổ vỡ nát kia.

Tôi vốn chẳng được rèn luyện hay đào tạo gì, nhưng những người Lebanon xung quanh đã giúp tôi. Họ có sự bình tĩnh đến đau lòng sau nhiều năm chung sống với thảm họa. Tất cả với tôi đều là người dưng, nhưng họ đã đối xử với tôi như một người bạn vào lúc đó.

Tôi bước xuống cầu thang, né đi chiếc cửa sổ khổng lồ vỡ nát lơ lửng. Khu phố của tôi - một nơi với kiến trúc cổ xưa xinh đẹp của Beirut, giờ hoang tàn đến lạ thường. Một người lái xe máy đi ngang qua, khi thấy tôi với khuôn mặt đẫm máu đã bảo tôi ngồi lên. Nhưng chúng tôi chẳng thể tới được bệnh viện bởi các con đường gần như đã bị chặn đứng dưới những đống đổ nát. Tôi đành xuống xe và lết đi, trên chính đôi chân của mình.

Lebanon và câu chuyện tình người nở rộ: Giữa thảm họa, người dưng cũng hóa người thương - Ảnh 2.

Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ tại Beirut

Trên đường, tất cả mọi người hầu như chẳng ai lành lặn, hoặc đang chảy máu hoặc được băng bó sơ bộ, chỉ trừ một người phụ nữ đang dắt theo chú chó. Chỉ mới một giờ trước đó, chúng tôi còn đang rất vui vẻ dạo phố, mua sắm hoặc tất bật làm việc. Chỉ mới một giờ trước đó, máu vẫn còn chưa đổ.

Khi tới gần bệnh viện, tôi thấy nhiều bệnh nhân cao tuổi đang phải ngồi xe lăn trên đường, tay vẫn còn nối vào túi truyền dịch. Một người phụ nữ nằm trước cửa phòng cấp cứu đổ nát, toàn thân nhuộm máu, gần như không động đậy. Rõ ràng, họ không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân nữa. Và chắc chắn rằng, những người bên ngoài không phải ai cũng may mắn như tôi.

Một người tên Youssef nhìn thấy tôi, dìu tôi ngồi xuống và bắt đầu tiến hành sơ cứu. Khi đã an tâm vì tôi có thể tự đi lại, anh mới rời đi, để lại tôi trong tâm trạng rối bời, cố gắng nghĩ về một bệnh viện khác có thể tới vào lúc này.

Lebanon và câu chuyện tình người nở rộ: Giữa thảm họa, người dưng cũng hóa người thương - Ảnh 3.

Người Lebanon giúp đỡ nạn nhân bị thương nặng

Trên đường đi, tôi thấy một người quen từng gặp vài lần trước kia. Anh ta băng bó nốt một số vết thương cho tôi, khử trùng bằng một một chút arak - loại rượu truyền thống của người Lebanon. Một người bạn của anh thì đưa cho tôi khăn sạch để lau máu.

Cho tới thời điểm ấy, tôi vẫn chẳng có chút manh mối gì về chuyện đã xảy ra. Một số người bảo rằng kho pháo hoa tại cảng đã nổ. Ít lâu sau, quan chức Lebanon xác nhận có lượng lớn vật liệu cháy nổ bị thu giữ bởi chính phủ nhiều năm trước là nguyên nhân của thảm họa.

Lebanon và câu chuyện tình người nở rộ: Giữa thảm họa, người dưng cũng hóa người thương - Ảnh 4.

Những người sống sót xuất hiện, di chuyển nhanh qua những con đường đang dần kẹt cứng. Một số người không bị thương ngửa mặt lên trời, thầm tạ ơn thánh thần vì đã giúp họ được an toàn.

Trước khi trời sáng, các đồng nghiệp tìm thấy tôi. Một tài xế tên Ralph ngỏ lời đưa tôi cùng vài nạn nhân khác tới các bệnh viện vẫn đang tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ giúp tôi 11 vết khâu vào trán, cùng vài vết khác ở tay và chân. Và mọi người đều nói với tôi điều tương tự: Tạ ơn Chúa, vì tôi đã an toàn!

"Cảm ơn, thực sự cảm ơn," - tôi chỉ có thể đáp lại như vậy. Nhưng tôi biết, câu nói ấy không chỉ là phép lịch sự, mà còn là lòng biết ơn chân thành.

Nguồn: NY Times