Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt

Khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách giới nghiêm nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, nhiều cặp vợ chồng càng trở nên gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một số cặp đôi lại đi thẳng ra văn phòng làm thủ tục ly hôn.

Zhang Ning sẽ sớm được đoàn tụ với chồng mình. Cuối tháng 1, anh đã rời nhà đi thăm họ hàng chỉ vài ngày trước Vũ Hán đột ngột bị phong tỏa nên không thể quay trở lại trong vòng 2 tháng. Giờ đây, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, thành phố này sắp được gỡ lệnh phong tỏa, cho phép người chồng trở về nhà mình.

“Tôi đã nói với anh ta là tôi sẽ ly hôn”, người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ.

Theo Zhang, thay vì giúp tình cảm vợ chồng thêm nồng thắm, thời gian xa cách này đã phơi bày những vết rạn nứt trong mối quan hệ mà trước đây cả hai đều phớt lờ. Cô đã phải chăm sóc bố mẹ chồng cùng con trai 8 tuổi một mình trong thành phố giữa lúc đại dịch đang ở đỉnh điểm. Thế nhưng, chồng cô lại không thông cảm chút nào.

“Khi tôi gọi điện để giải tỏa cảm xúc trong lòng, ban đầu anh ta có an ủi tôi một chút nhưng rồi nhanh chóng mất kiên nhẫn”, Zhang cho biết. Hôm khác thì anh quát cô: “Đó không phải là nghĩa vụ của em à?”.

Đối với Zhang, đó chính là giọt nước tràn ly. Nhiều năm qua, cô ở lại bên chồng vì con cái, nhưng trong giây phút đó, cô quyết định mình sẽ sống ổn hơn nếu không có anh ta.

“Cả đời tôi chưa bao giờ quyết đoán như lúc này cả”, Zhang tâm sự. “Đại dịch Covid-19 đã giúp tôi quyết tâm hơn”.

Rất nhiều cặp đôi Trung Quốc cũng rơi vào hoàn cảnh trên trong vài tháng vừa qua. Khi nhiều thành phố bắt đầu nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh vào đầu tháng 3, các văn phòng đăng ký hộ tịch trên toàn quốc đã ghi nhận một lượng đơn xin ly hôn lớn chưa từng có.

Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt vô tình lộ ra trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Giấy chứng nhận ly hôn tại Trung Quốc.

Lan Zi - chuyên gia tư vấn ly hôn tại phòng đăng ký thành phố Thâm Quyến - cho biết, cô choáng váng trước số lượng các cặp đôi tìm tới mình để tư vấn kể từ khi dịch bệnh bùng phát phát.  

“Các cặp vợ chồng phải đặt hẹn trước cả tháng nếu muốn ly hôn”, Lan nói.

Sự tăng vọt này là kết quả của nhiều năm gia tăng tỷ lệ ly hôn tại Trung Quốc, được thúc đẩy bởi những thay đổi về mặt kinh tế và xã hội giúp phụ nữ tự tin vượt qua những định kiến xã hội. 

Trong năm 2018, có hơn 4,5 triệu cặp vợ chồng tại Trung Quốc ly hôn, với tỷ lệ là 3,2/1000 cặp. Chính phủ quốc gia này đã áp dụng các biện pháp nhằm khuyến khích các cặp đôi từ bỏ việc ly hôn, chẳng hạn như yêu cầu các cặp đôi đi tư vấn hàn gắn trong 30 ngày trước khi chính thức kết thúc cuộc hôn nhân của họ.

Tuy nhiên, Lan cho biết cô chưa từng nhìn thấy cuộc khủng hoảng hôn nhân nào như thế này. Đối với nhiều cặp vợ chồng, việc bị kẹt trong nhà hàng tuần liền đã tạo nên sự căng thẳng trong mối quan hệ của họ, lớn tới mức việc tư vấn cũng không có tác dụng.

“Tự cách ly trong nhà có gây bùng nổ xung đột gia đình”, Lan nói. “Những thứ rất đỗi nhỏ nhặt và bình thường cũng có thể là lý do gây chia rẽ, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ thân mật giữa vợ và chồng dẫn đến khủng hoảng hoảng hôn nhân”.

Theo Hong Lanzhen - một luật sư ly hôn tại thành phố Đông Hoản, cô đã giải quyết vô vàn những trường hợp mà trong đó khách hàng chỉ muốn ly hôn ngay sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.

“Điểm chung của những cặp đôi này là mối quan hệ của họ đã rạn nứt từ trước khi xảy ra dịch bệnh. Càng có nhiều vấn đề, họ càng bất đồng với nhau hơn”, cô giải thích. 

Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt vô tình lộ ra trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Xiao Mei (32 tuổi, Bắc Kinh) đã chuyển ra khỏi căn hộ nơi cô sống cùng chồng và nộp đơn ly hôn ngay sau khi thành phố trở về với nhịp sống bình thường. Cô cho biết rằng đại dịch lần này đã làm lộ “bộ mặt thật” của người chồng đầu gối tay ấp bấy lâu của mình.

Theo Xiao, chồng cô luôn viện cớ bận rộn nên không thể giúp vợ làm việc nhà hay trông con. “Lần này, anh ta có cả tá thời gian ngồi nhà trong đợt phong tỏa nhưng vẫn không chịu làm gì”, Xiao bức xúc. “Tôi nhận ra chồng mình chỉ là ‘một đứa trẻ to xác’. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống chẳng khác gì như đang góa chồng này nữa”.

“Đại dịch lần này chính là giọt nước tràn ly khiến cho hôn nhân tan vỡ”, Li Hua - bác sĩ tâm lý tại Sơn Đông - khẳng định. “Những mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bình thường mọi người bỏ qua bỗng trở nên quá sức chịu đựng và ngày một chồng chất, như một con dao sắc cắt đứt mối quan hệ vợ chồng”.

Lệnh phong tỏa đã ảnh hưởng đến một số lượng lớn các cặp vợ chồng đang yêu xa tại Trung Quốc. Theo ước tính, đất nước này có khoảng 288 triệu lao động xa nhà vào năm 2018, trong số đó đa phần đều không được sống cùng vợ con trong nhiều năm liền vì phải làm việc trên các thành phố lớn.

Trước khi đại dịch bùng phát, Zheng Rujun chỉ được gặp chồng mỗi tháng một lần, bởi cả hai làm việc ở hai thành phố cách nhau 3 giờ lái xe trong tỉnh Quảng Đông. Mối quan hệ của họ vẫn ổn định; cả hai đối xử với nhau đầy tôn trọng trong những cuộc gặp mặt hàng tháng. Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi khi vợ chồng Zheng sống cùng nhau lần đầu kể từ đám cưới năm 2017.

“Anh ta ném quần áo bẩn và tất thối khắp nhà. Anh ta cầm điện thoại chơi game cả ngày. Và khi tôi tâm sự với anh ta về những lo lắng trong đại dịch, anh ta chế giễu rằng tôi cứ thích làm to chuyện”, Zheng nhớ lại.

Sau vài tuần, Zheng không thể chịu nổi nữa và nói rằng cô muốn ly hôn. Người chồng liền phản đối và bảo cô rằng mọi chuyện sẽ trở lại bình thường khi lệnh phong tỏa bị gỡ. Tuy nhiên, Zheng đã quyết tâm chấm dứt tất cả. “Tôi đã nhận ra những vấn đề mà mình không thể chịu đựng được, vậy còn lãng phí thời gian làm gì nữa?”, người phụ nữ 27 tuổi cho biết.

Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt vô tình lộ ra trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Người đi bộ trên đường phố Thượng Hại vào ngày 27/2/2020. (Ảnh: Wu Huiyuan/Sixth Tone)

Đối với những người khác, sự căng thẳng khi phải xa nhau trong những ngày thành phố bị phong tỏa đã khiến cho hôn nhân của họ rạn nứt. "Phụ nữ thường cảm thấy lo lắng và bất an về mối quan hệ của mình", bác sĩ tâm lý Li giải thích. "Họ lo cho sự an toàn của chồng mình, cũng như sợ rằng chồng sẽ ngoại tình".

Theo Li, rất nhiều khách hàng nữ của cô yêu cầu chồng gửi ảnh và video có mặt bản thân để chứng minh họ đang ở nơi mà họ nói. "Tôi sẽ giúp chị em hiểu rằng hành động đó chỉ khiến chồng thêm xa cách", cô nói. "Khi cảm thấy bản thân yếu kém, bạn sẽ sợ người khác bỏ rơi mình".

Áp lực tài chính cũng là một trong những nguồn cơn gây bất đồng, nhất là với tình trạng các công ty đang cắt giảm nhân lực và thu nhập vì đại dịch Covid-19. Theo chuyên gia tư vấn ly hôn Lan, vấn đề này càng khiến cuộc hôn nhân thêm căng thẳng và đẩy cả hai vợ chồng đến điểm bùng nổ. 

“Đại dịch khiến thu nhập của các hộ gia đình giảm và sự căng thẳng đi kèm với nó sẽ gây ra khủng hoảng về mặt cảm xúc”, Lan giải thích. “Chúng ta đã thấy điều này ngay cả trong cuộc sống thường ngày chứ không chỉ trong đại dịch”.

Dù vậy, không phải cuộc hôn nhân nào cũng kết thúc vì dịch Covid-19. Một số cặp đôi càng trở nên gắn bó hơn sau thời gian phong tỏa. Theo một khảo sát trên nền tảng giáo dục hôn nhân và giới tính LoveMatters China, có khoảng 300/1500 người tham gia cho biết họ phải ở trong nhà với bạn đời 24/7 trong thời gian qua. 55% trong số đó cho biết điều này đã giúp họ hiểu nhau hơn và cải thiện cuộc hôn nhân của mình.

Tuy đại dịch lần này đã gây ra những tổn thất và mất mát to lớn, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện đây chính là động lực thúc đẩy người sống sót tiến về phía trước: những người sợ cô đơn kết hôn sớm hơn, những người đang gặp trục trặc trong hôn nhân quyết tâm ly hôn nhanh hơn, và các gia đình muốn có con không còn chần chừ nữa.

Lệnh phong tỏa gỡ cũng là lúc phụ nữ Trung Quốc đệ đơn ly hôn hàng loạt: Gia đình rạn nứt từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt vô tình lộ ra trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

“Đại dịch trở thành một chất xúc tác khiến con người hành động”, Li giải thích. “Họ nhìn ra tình trạng hôn nhân của mình trong đại dịch - khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết - và nhanh chóng đưa ra được quyết định”.

Wang Liting (35 tuổi) cho biết dịch Covid-19 đã giúp cô nhận ra điều gì thực sự quan trọng với mình. Trước khi đại dịch bùng phát, cô đã luôn nghĩ đến chuyện ly hôn chồng suốt 10 năm qua.

“Tôi cảm giác anh ấy không hiểu tôi”, Wang cho biết. “Mối quan hệ với mẹ chồng cũng không được tốt đẹp, bởi bà ấy cứ giục tôi sinh con”.

Thế nhưng, Wang đã nghĩ lại sau khi vợ chồng cô bị kẹt trong nhà suốt thời gian phong tỏa. Cô bắt đầu cảm thấy không khỏe và hoảng loạn, lo sợ rằng mình đã nhiễm virus corona.

Chính vào lúc ấy, chồng cô đã đứng ra gánh vác tất cả. Anh đưa cô vào bệnh viện - nơi cô được chẩn đoán chỉ mắc cúm thường. Anh nấu ăn cho cô, làm tất cả việc nhà và xem chương trình hài cùng cô để giúp cô thư giãn.

“Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình được chồng yêu thương đến vậy”, Wang nói. “Đó là khi tôi biết anh ấy chính là người tôi có thể dựa dẫm”.

(Theo Sixthtone)