Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Liên tiếp xảy ra động đất tại Cao Bằng, người dân cần chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại

Trong 2 ngày qua, liên tiếp 3 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 156 gửi các Bộ: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo Dân Việt, sáng 26/11, Viện Vật lý Địa cầu thông tin, vào hồi 1 giờ 52 phút 41 giây (giờ GMT) ngày 26 tháng 11 năm 2019, tức 8 giờ 52 phút 41 giây (giờ Hà Nội) ngày 26 tháng 11 năm 2019, 1 trận động đất có độ lớn 2,5 richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.723 độ vĩ Bắc, 106.529 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.

Liên tiếp xảy ra động đất tại Cao Bằng, người dân cần chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại - Ảnh 1.

Động đất gây thiệt hại lớn tại Cao Bằng.

Trận động đất xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trước đó, vào sáng 25/11 cũng tại huyện Trùng Khánh ghi nhận 2 trận động đất liên tiếp cách nhau 3 tiếng đồng hồ, với độ lớn 3,8 richter và 5,4 richter.

Báo Kinh tế đô thị thông tin, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Nguyễn Thành Hải thông tin, mỗi trận động đất kéo dài vài giây, khiến nhà cửa rung lắc, bàn ghế xê dịch, nhiều người dân hốt hoảng chạy ra khỏi nhà. Hậu quả, 1 xe ô tô con bị tảng đá lớn từ trên núi lăn xuống va trúng làm hư hỏng; một số diện tích sản xuất bị đất, đá lăn từ trên núi xuống vùi lấp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại các trận động đất có thể xảy ra tiếp theo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của động đất đến các công trình xây dựng, nhất là các hồ chứa, nhà cao tầng, các khu vực có nguy cơ bị sạt lở để có phương án đảm bảo an toàn.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các địa phương, chủ công trình kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mức độ đảm bảo an toàn của các công trình để người dân chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang; rà soát, kiểm tra các hồ chứa nước và hạ du, nhất là các hồ chứa nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến động đất và các biện pháp ứng phó.

Các bộ, ngành, địa phương nói trên báo cáo về Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.