Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Loại thức uống có thể kích thích tuyến vú gây ra nang

Cô Dung sờ hai bên ngực có cảm giác đau đớn, lo sợ mắc bệnh ung thư vú như mẹ và bà ngoại nên cô Dung đã đến bệnh viện khám.

Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Lâm Huệ Ngọc, khoa ngoại, bệnh viện Cardinal Tien Hospital, chia sẻ về trường hợp nữ bệnh nhân là cô Dung (20 tuổi). Được biết, gia đình cô Dung có tiền sử người nhà mắc bệnh ung thư vú là mẹ và bà ngoại. Dạo gần đây, khi đến chu kỳ kinh nguyệt, cô Dung sờ hai bên ngực có cảm giác đau đớn, lo sợ mắc bệnh ung thư vú như mẹ và bà ngoại nên cô Dung đến bệnh viện khám.

Cả hai bên ngực đều đau đớn, cô gái 20 tuổi tưởng ung thư vú, nhưng hóa ra là do thức uống này - Ảnh 1.

Bác sĩ Lâm Huệ Ngọc, khoa ngoại, bệnh viện Cardinal Tien Hospital.

Điều khiến bác sĩ Lâm Huệ Ngọc cảm thấy kì lạ là cô Dung cho biết cả hai bên ngực đều đau đớn. Thông thường, chỉ một bên ngực của phụ nữ có vấn đề, rất hiếm trường hợp cả hai bên ngực được chẩn đoán ung thư vú. Sau khi tiến hành chụp siêu âm, bác sĩ phát hiện cả hai bên ngực của cô Dung đều là u nang vú. Nguyên nhân phần lớn là do nội tiết tố estrogen trong chu kỳ kinh nguyệt gây ra khiến tuyến vú căng phồng, tạo cảm giác hai bên ngực đầy đặn. Sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt, cảm giác đau đớn ở hai bên ngực sẽ giảm.

Ngoài ra, bác sĩ được biết cô Dung là nhân viên của tiệm trà sữa. Cô Dung có thói quen uống trà sữa mỗi ngày trong suốt nửa năm qua. Khi lượng calo nạp vào cơ thể không thể tiêu hao sẽ tích lũy thành chất béo. Lúc này, tuyến thượng thận sẽ tiết ra enzym để chuyển hóa chất béo thành estrogen, nếu estrogen dư thừa sẽ kích thích tuyến vú sản sinh ra các u nang vú.

Bác sĩ đã khuyên cô Dung từ bỏ thói quen uống trà sữa, thay bằng thức uống ít đường và tăng cường vận động. Kết quả tái khám cho thấy 40% u nang vú đã biến mất và cảm giác đau ở hai bên ngực cũng giảm.

Bác sĩ Lâm Huệ Ngọc cảnh báo: "U nang vú thường biến mất vào độ tuổi phụ nữ mãn kinh, nếu kết quả siêu âm cho thấy u nang vú phân bố rải rác thì nguy cơ chuyển hóa thành khối u ác tính là rất thấp. Nhưng nếu kết quả siêu âm cho thấy u nang vú xuất hiện thành từng chùm kèm theo các vi mạch máu nhỏ thì nguy cơ chuyển hóa thành khối u ác tính tăng 10%".

U nang vú là gì?

U nang vú là một dạng túi chứa đầy chất lỏng bên trong vú, thường không được xem là tình trạng ung thư (lành tính). Phụ nữ có thể có một hoặc nhiều u nang vú và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú. Chúng thường có hình dạng một cục tròn hoặc hình bầu dục với các cạnh khác biệt. Một u nang vú thường có cảm giác như một quả nho hoặc một quả bóng chứa đầy nước, nhưng đôi khi cũng có u nang tương đối chắc.

U nang vú không cần điều trị trừ khi u nang lớn và gây ra cảm giác đau hoặc không thoải mái. Trong trường hợp đó, Bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu chất lỏng từ u nang vú ra ngoài và làm giảm các triệu chứng khó chịu này.

U nang vú thường phổ biến ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh, trong độ tuổi 35 đến 50. Nhưng u nang vú cũng có thể xảy ra ở phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Chúng cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh mà đang sử dụng liệu pháp hormone.

Triệu chứng của u nang tuyến vú

U nang vú có thể được xuất hiện ở một hoặc cả hai vú. Các dấu hiệu và triệu chứng của u nang vú bao gồm:

- Một khối tròn hoặc hình bầu dục mịn, dễ di chuyển với các cạnh khác biệt (đó là các dấu hiệu thông thường nhất, tuy nhiên không phải lúc nào u nang vú cũng lành tính).

- Núm vú có thể tiết ra dịch trong, vàng, màu rơm hoặc nâu sẫm.

- Đau vú hoặc đau ở khu vực có xuất hiện khối u vú.

- Tăng kích thước khối u vú và đau vú ngay trước kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

- Giảm kích thước khối u vú kèm theo giảm triệu chứng khác sau chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Nguyên nhân của u nang tuyến vú

Các chuyên gia y tế cũng không tìm ra nguyên nhân gây ra u nang vú. Chúng có thể là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng estrogen dư thừa trong cơ thể bạn, có thể kích thích các mô vú, và góp phần vào u nang vú.

Theo Ettoday