Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lời khuyên với học sinh cuối cấp: Chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời đừng bao giờ chọn sự ổn định!

Thời điểm này, cho dù việc đến trường, lớp của học sinh 12 đang tạm thời ngừng lại do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Nhưng một chủ đề vẫn được các em bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội đó chuyện chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa kì thi THPTQG. Và câu chuyện về chọn nghề nào, ngành nào tốt nhất cho các em vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Đa phần chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay đại học đều mong muốn rằng khi ra trường có một công việc “ổn định” hay một cuộc sống “ ổn định”. Nhưng quả thực, “ổn định” là như nào thì chúng ta thật khó định nghĩa! Và rồi, khi đi làm hay đối mặt với những sóng gió cuộc sống ta mới nhận ra rằng: Điều bất ổn nhất chính là sự ổn định mà ta từng mong muốn!! 

1. Sự cám dỗ và hệ tư tưởng mang tên “Ổn Định” 

Tại các gia đình Châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đa phần các phụ huynh thường mong muốn con cái họ có được cuộc sống an nhàn, ổn định. Họ mong muốn con họ vào được những trường đại học để sau này dễ đi xin việc, có công việc và thu nhập ổn định. Rất nhiều thế hệ cha mẹ đều khuyên con cái cố gắng có công việc tại những doanh nghiệp nhà nước hoặc học những ngành sau này có thể xin cho việc cho con. Điều này vô tình tạo ra một thế hệ trẻ lớn lên với mong muốn “Ổn Định”. 

Thời gian gần đây, trên diễn đàn của các trường đại học có rất nhiều thắc mắc của các sĩ tử 12 về việc chọn trường, chọn ngành. Một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm chính là: “Học ngành này, khoa này sau ra trường có dễ dàng xin việc được không?" Và cũng đã rất nhiều lứa sinh viên đã lựa chọn những khoa cao điểm, khoa mình không thích chỉ vì mong muốn sau này ra trường sớm có việc, sớm được ổn định. 

Lời khuyên gửi tới những học sinh cuối cấp: Chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời đừng bao giờ chọn sự ổn định! - Ảnh 1.

Hệ tư tưởng về sự “ổn định” đang tạo ra những thế hệ mong muốn sự an nhàn quá sớm. Chỉ mong muốn thu mình trong “vùng đất an toàn” với những công việc lặp lại như cỗ máy mà không cần sự đột phá. Để rồi, khi cuộc sống có những biến động, “vùng đất an toàn” đó chính là nơi bất ổn nhất. 

2. Khi vùng đất an toàn không còn an toàn 

Thông thường, chúng ta đều trải qua 4, 5 năm đại học hoặc nhiều hơn nữa. Sau đó, chúng ta ra trường và bắt đầu đi làm. Ngoại trừ các ngành chuyên môn đào tạo như Y Tế, Quân Đội, Kỹ Sư... thì đa phần các ngành xã hội có tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành cực kỳ cao. Mà đôi khi những người làm trái ngành họ còn thành công hơn cả những người học chính chuyên ngành đó. Vậy nên, cũng có rất nhiều chuyện sinh viên đi làm khác hoàn toàn so với tưởng tượng hay với những gì các bạn được học. 

Không những vậy, thế giới này luôn luôn biến đổi và vận hành theo những quy luật riêng. Đâu cần đến thời gian theo năm, chỉ cần ngày hôm nay - ngày hôm sau đôi khi thời thế cũng đã khác. Dường như chẳng ai trên thế giới này mong cầu được sự “ổn định” như chúng ta hằng nghĩ. 

Lời khuyên gửi tới những học sinh cuối cấp: Chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời đừng bao giờ chọn sự ổn định! - Ảnh 2.

Điển hình như việc khi đại dịch Covid-19 xảy ra, gây nên cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Có ai nghĩ được rằng, tại miền đất hứa Hoa Kỳ hiện tại đã có tới 10 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Hay sau một đêm thức dậy, Huawei - Một tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc sa thải tới 7000 nhân viên. Làn sóng thất nghiệp nổi lên mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Lúc này chúng ta mưu cầu sự “ổn định” thật là mong manh. 

Điều đó thể hiện cho việc trên thế giới này, vốn chẳng có gì là cố hữu. Ngành học bạn chọn hôm nay có thể là ngành “HOT”, ngành cao điểm nhưng biết đâu ngày mai lại là ngành sa thải nhiều nhân sự nhất. Công ty vững cgãi mà biết bao người mơ ước được vào làm nay lại tuyên bố phá sản vì một lý do hy hữu nào đó. Vốn dĩ, trên đời này chẳng có vùng đất nào là an toàn cả, sự an toàn được tạo ra bởi chính năng lực bản thân mỗi người mà thôi. 

3. Hãy luôn cố gắng để vượt qua giới hạn bản thân 

Trong thời đại số, với sự phát triển của công nghệ và máy móc, con người đang dần dần được thay thế bởi máy móc khi trí tuệ nhân tạo đang ngày càng hoàn thiện. Điều đó khiến cho các công ty có thể tăng trưởng quy mô nhanh chóng nhưng vẫn cần tinh gọn bộ máy nhân sự để tối ưu chi phí. Do vậy việc đòi hỏi những nhân sự thật sự tinh nhuệ và đa năng là tiêu chí mà nhiều công ty đưa ra. Điều đó khiến mỗi nhân sự phải trau dồi bản thân không chỉ chuyên môn mà còn các kỹ năng mềm khác. 

Lời khuyên gửi tới những học sinh cuối cấp: Chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời đừng bao giờ chọn sự ổn định! - Ảnh 3.

Mục đích hướng tới sự cuộc sống “ổn định” là điều mà nhiều người đều mong muốn. Thế nhưng để bản thân an nhàn, ổn định thì sẽ chẳng bao giờ bạn đạt được mục đích đó cả. Điều quan trọng là mỗi người đều cần vượt qua giới hạn bản thân, dám bứt phá để đạt được thành tựu mới. Nếu cứ dậm chân và tận hưởng thành quả đã đạt được thì chỉ một mai thôi chúng ta sẽ bị đào thải. 

“Thân gửi các em học sinh lớp 12, các em sắp bước vào bước ngoặt của cuộc đời mình. Bước sang tuổi 18, các em sẽ có những quyết định thay đổi bước đường tương lai phía trước. Cuộc sống cho ta những bài học “Không có bữa trưa nào là miễn phí” cũng như “Không có vùng đất nào là an toàn”. Hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình và có những quyết định đúng đắn nhất. Nỗ lực và vượt qua những giới hạn, những định kiến để đạt được thành công như chính các em mong muốn.” 

Lời khuyên gửi tới những học sinh cuối cấp: Chọn trường, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời đừng bao giờ chọn sự ổn định! - Ảnh 4.