Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Long An: Phát huy hiệu quả Công tác xã hội tình nguyện tuyên truyền, hỗ trợ người yếu thế

(Dân sinh) - Trong thời gian qua, các đội Công tác xã hội (CTXH) tình nguyện ở tỉnh Long An đã phát huy vai trò trong công tác phối hợp giữa các hội, ngành, đoàn thể ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chung tay hỗ trợ những người yếu thế.

"Không để người yếu thế bị bỏ lại phía sau"

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, tổng hợp đối tượng thụ hưởng và tiến hành chi hỗ trợ kịp thời cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.

Cụ thể, đã hỗ trợ cho 15.714 người thuộc hộ nghèo, với số tiền 11.912 triệu đồng; 38.679 người thuộc hộ cận nghèo, với số tiền 29.024 triệu đồng; 55.428 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với số tiền 82.596 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ cho 6.784 hộ bán vé số dạo, với số tiền 5.088 triệu đồng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Toàn tỉnh Long An hiện có 60.977 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với kinh phí 269.253,72 triệu đồng và được cấp thẻ BHYT. Trợ cấp đột xuất 27 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 55 triệu đồng; trợ cấp đột suất 63 trường hợp, số tiền 43.500.0000 đồng (có 55 trường hợp trợ cấp đột suất hộ dân việt kiều khu cụm dân cư Bình Châu B - mỗi hộ 500.000 đồng). Quyết định đưa 11 trường hợp vào Trung tâm Công tác xã hội Long An, nâng tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 421 đối tượng.

Long An: Phát huy hiệu quả Công tác xã hội tình nguyện tuyên truyền, hỗ trợ người yếu thế - Ảnh 1.

Đội CTXH tình nguyện tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho trẻ em vùng biên giới Long An.

Từ cuối năm 2020 và trong năm 2021, tỉnh Long an sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc, phát huy người cao tuổi, chăm sóc người khuyết tật. Tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 -2025 và tầm nhìn đến năm 2030; hỗ trợ chăm sóc và phục hồi đối tượng tại gia đình, cộng đồng. Hoàn thành xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, huy động nhiều nguồn lực trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Cải cách hệ thống chi trả chính sách trợ giúp xã hội nhằm bảo đảm chi trả kịp thời, đúng đối tượng và thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ công chuyên nghiệp.

Đội CTXH tình nguyện là những cầu nối gắn kết, chia sẻ

Trong thời gian qua, các đội CTXH tình nguyện được xác định là đội ngũ nòng cốt làm công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là các tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS ở địa phương, là cầu nối giữa các cấp chính quyền, đoàn thể với người mắc tệ nạn xã hội và gia đình người có người mắc tệ nạn xã hội, góp phần làm cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ngày càng hiệu quả.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các đội CTXH tình nguyện đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, mại dâm, mua bán người, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng.

Đội CTXH tình nguyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phòng, chống tệ nạn xã hội như: Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống mua bán người; Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản quy phạm pháp luật.

Long An: Phát huy hiệu quả Công tác xã hội tình nguyện tuyên truyền, hỗ trợ người yếu thế - Ảnh 2.

Đội CTXH tình nguyện là cầu nối giữa các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm đến với người dân yếu thế.

Tiêu biểu nhất trong đội CTXH tình nguyện hỗ trợ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội ở Long An là bà Trần Thị Phượng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước. Gần 6 năm với vai trò là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện cũng là ngần ấy thời gian bà Phượng đưa các phong trào hội ngày càng đi lên, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Để thực hiện tốt công việc của mình bà Phượng phải tìm nguồn vận động, vừa nắm danh sách hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn để tìm biện pháp giúp đỡ phù hợp. Chính sự nhiệt tình, chân thật, bà Phượng đã tạo được cảm tình, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. "Khi thấy những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được sự giúp đỡ kịp thời của các nhà hảo tâm vượt qua khó khăn, tôi lại có thêm động lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao", bà Phượng chia sẻ.

Qua đó, chúng ta có thể thấy nghề CTXH là một trong những lĩnh vực mang tính đặc thù. Vì thế, với những người làm CTXH, chỉ có kiến thức thôi chưa đủ, họ còn phải có cái tâm với cộng đồng, nhất là phải chấp nhận những rủi ro để cống hiến hết mình cho xã hội. CTXH không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể cho việc giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác.