Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình giảm nghèo

(Dân sinh) - Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài... nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người đang được tỉnh Quảng Trị thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Từ những việc làm trên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người triển khai toàn diện và đạt được nhiều kết quả. Dù vậy, với đặc điểm tự nhiên và xã hội của tỉnh Quảng Trị có nhiều tuyến giao thông quan trọng, nằm trên các trục huyết mạch giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh với hai nhánh chạy dọc ở phía Đông Trường Sơn và Quốc lộ 9 được nâng cấp thành đường xuyên Á.

Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình giảm nghèo - Ảnh 1.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người tại Quảng Trị

Là địa phương có 206km đường biên giới trên đất liền giáp hai tỉnh Salavan và Savanakhet của Lào, có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế LaLay, là cầu nối với các nước trong khu vực qua hành lang Đông Tây trên Quốc lộ 9: Việt Nam - Lào - Thái Lan – Myanmar. Đó là một vị trí thuận lợi cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, hội nhập với các nước trong khu vực. Tuy nhiên đây cũng là điều kiện làm phát sinh, phát triển tội phạm, trong đó có loại tội phạm mua bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và hoạt động khó kiểm soát.

Theo cơ quan đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động về Luật phòng, chống mua bán người tại Quảng Trị, từ khi Chương trình 130/CP giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt triển khai thực hiện đến nay, tại địa phương chưa xảy ra vụ mua bán người nào. Song, qua khảo sát tình hình liên quan đến tội phạm mua bán người tuyến biên giới Việt Nam- Lào và tuyến biển.

Các cơ quan chức năng tỉnh đã đưa vào diện để quản lý nghiệp vụ với 30 khách sạn, nhà nghỉ, massage, quán karaoke có điều kiện, khả năng hoạt động mua bán người; lên danh sách 321 trường hợp kết hôn không giá thú giữa người Việt Nam- Lào và 105 hộ/433 nhân khẩu di cư tự do đến cư trú dọc các xã biên giới Việt Nam; lập danh sách số phụ nữ, trẻ em vắng mặt ở địa bàn lâu ngày không lý do để theo dõi, quản lý đối với 35 người; lên danh sách phụ nữ nghi bị mua bán hoặc đi xuất khẩu lao động qua các nước không rõ nguồn gốc, địa chỉ đối với 21 người; lập danh sách quản lý 3 đối tượng đã bị tuyên án phạt tù về hành vi mua bán người.

Số nạn nhân bị mua bán từ trước đến nay là 32 nạn nhân, trong đó đã được giải cứu và tự trốn trở về là 27 nạn nhân, số nạn nhân chưa trở về được là 5, hiện đang ở Trung Quốc.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị, trong những năm qua (2013-2019) tình hình trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững ổn định, không xuất hiện đường dây mua bán người, không có nạn nhân là người Quảng Trị bị mua bán. Để có được kết quả này, các lực lượng chức năng đã tham mưu tốt cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội làm tốt công tác phòng ngừa trên địa bàn.

Mặt khác, công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả cao. Các mô hình, dự án có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ được nhân rộng và triển khai đến các xã, phường, trị trấn trọng điểm.

Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm và điều tra khảo sát tình hình liên quan đến mua bán người trên địa bàn để phòng ngừa tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em; đồng thời thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong việc khảo sát nắm tình hình, mở rộng điều tra các vụ việc liên quan đến mua bán người qua biên giới cũng như trong nội địa, đã thiết lập đường dây nóng, ký các văn bản ghi nhớ trong phòng ngừa và đấu tranh tội phạm mua bán người.

Mặc dù vậy, công tác phòng, chống mua bán người tại Quảng Trị cũng còn nhiều mặt tồn tại, bất cập, mà nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ theo dõi công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại địa phương thường xuyên có sự thay đổi và kiêm nhiệm nhiều việc; kinh phí để thực hiện còn hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ công tác, đặc biệt là việc triển khai thực hiện các kế hoạch liên quan đến nước ngoài.

Quảng Trị kiến nghị các Bộ, ngành, Trung ương có Kế hoạch chỉ đạo chung đối với lực lượng công an các tỉnh có đường biên giới giáp Lào, phối hợp với lực lượng chức năng Lào tiến hành khảo sát các tụ điểm mại dâm trá hình tại các tỉnh của Lào giáp biên giới Việt Nam; phối hợp triệt phá các tụ điểm mại dâm nghi vấn có nạn nhân bị mua bán ép bán dâm; hỗ trợ bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình phòng, chống mua bán người tại địa phương.