Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Đáp ứng thực tiễn mới phát sinh về lao động

(Dân sinh) - Tiếp tục kỳ họp thứ 10, chiều nay 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

TTDVVL đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài: Đa số lựa chọn phương án 1

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm 08 Chương và 76 điều giảm 03 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (bãi bỏ 05 Điều, bổ sung mới 01 Điều và tách 02 Điều).

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có 34 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Bà Thúy Anh cho biết, khi thảo luận dự án luật này, từ kỳ họp thứ 9, một số vấn đề lớn được đại biểu rất quan tâm.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng (Điều 2 và Điều 5) một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Đáp ứng thực tiễn mới phát sinh về lao động - Ảnh 1.

Thực tế thời gian qua, bà Thúy Anh cho biết, các Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm đang được phép của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký với các tỉnh, thành phố của bên nước ngoài để đưa lao động của địa phương đi làm việc, và không thu tiền dịch vụ của người lao động.

"Do vậy, Chính phủ, Cơ quan soạn thảo đề xuất luật hóa thực tiễn này", Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết.

Về đề xuất này, theo bà Thúy Anh, có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai, không tán thành việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sau khi xem xét, cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề mới, đang có ý kiến khác nhau, do vậy đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo 02 phương án.

Phương án 1: Quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế.

Phương án 2: Không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Theo đó, bà Thúy Anh cho hay, kết quả, đã có 26/40 Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn Phương án 1.

"Do vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa có phương án nhận được đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, quyết định", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Không đưa vào dự Luật việc quản lý lao động khu vực biên giới 

Cũng liên quan đến Đối tượng áp dụng, vị Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ đối tượng là du học sinh, người đi thăm thân, lao động đi làm việc theo kỳ nghỉ, lao động dịch chuyển trong ASEAN vào dự thảo Luật để thuận lợi trong việc hướng dẫn thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng nếu các đối tượng này thực hiện đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này thì sẽ được hưởng các quyền, lợi ích theo quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về việc quản lý lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp để có căn cứ cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình lao động qua biên giới với các nước láng giềng và rất đa dạng, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn.

Vì thế, Chính phủ đã cân nhắc về vấn đề này và không đưa vào dự thảo Luật khi trình Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để "quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Giữ nguyên quy định "cứng" mức vốn 5 tỷ đồng

Đáng chú ý, về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sử dụng khái niệm "vốn chủ sở hữu" là không thống nhất với Luật Doanh nghiệp, làm phát sinh khái niệm mới trong hệ thống pháp luật.

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở nâng vốn chủ sở hữu lên 05 tỷ đồng; có ý kiến cho rằng không nên quy định cứng mức 05 tỷ đồng trong luật mà nên để Chính phủ quy định chi tiết.

Vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo thì "vốn chủ sở hữu" - là thuật ngữ được sử dụng trong Luật Kế toán, đây là nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu.

Song song đó, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người lao động, thì các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp rất quan trọng nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro. 

Và mức vốn 5 tỷ đồng như hiện hành, thực tế đây là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài. 

Vì thế, "Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với giải trình này và xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo Luật", bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 03 năm lên 05 năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan trực tiếp đến người lao động làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cần quy định chặt chẽ là cần thiết và phù hợp. Do đó, xin Quốc hội cho được quy định như dự thảo Luật", bà Thúy Anh nói.

Một vấn đề nữa còn ý kiến khác nhau, đó là cần quy định nâng điều kiện về người đại diện theo pháp luật từ có kinh nghiệm 03 năm lên 05 năm là chưa thuyết phục, nên giữ như quy định hiện hành.

Về ý kiến này, bà Thúy Anh làm rõ, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc biệt lại có liên quan trực tiếp đến người lao động làm việc ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nên cần quy định chặt chẽ là cần thiết và phù hợp. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được quy định như dự thảo Luật.

Giữ nguyên quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước

Ngoài ra, quy định về tiền dịch vụ (Điều 24) cũng được đại biểu Quốc hội quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ; có ý kiến đề nghị làm rõ quy định tại khoản 5 về việc điều chỉnh mức đóng theo từng thời kỳ và cần quy định chặt chẽ mức trần, mức phí.

Về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, việc doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện nhiều quy trình, hoạt động, từ tìm kiếm thị trường, đối tác, hỗ trợ người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài, trong tình huống xảy ra rủi ro, phát sinh…

Thêm nữa, bà Thúy Anh lưu ý, pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện được tổ chức các hoạt động này và phải bảo đảm việc thu tiền dịch vụ của người lao động một cách hợp lý, minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan, theo khuyến nghị của ILO.

Đồng thời, "tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng luật hóa quy định hiện hành của Nghị định, bổ sung quy định nguyên tắc tại Điều 24 về tiền dịch vụ", bà Thúy Anh nói.

Đặc biệt, theo bà Thúy Anh, liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ; một số ý kiến tán thành duy trì Quỹ nhưng cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động; làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, và các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động khi làm việc ở nước ngoài, thì việc bảo đảm xử lý và có biện pháp kịp thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần thiết.

Trách nhiệm trước hết chính từ doanh nghiệp dịch vụ và bản thân người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ này như một cơ chế dự phòng, khắc phục rủi ro.

Do vậy, quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước xin được giữ nguyên

Đồng thời, bà Thúy Anh nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, các điều 67, 68 và 69 đã được chỉnh lý phù hợp theo hướng:

Bỏ quy định Quỹ là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động – TB&XH; Nhiệm vụ chi của Quỹ chỉ tập trung vào hỗ trợ, giải quyết những vấn đề rủi ro của người lao động, doanh nghiệp; Không trùng lặp nhiệm vụ chi của hoạt động quản lý nhà nước, nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp;

Quy định nguyên tắc việc có cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là khi người lao động gặp rủi ro ở nước ngoài.

Và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; tổ chức hoạt động; quản lý, sử dụng, mức đóng góp vào Quỹ.

Dự kiến, chiều thứ sáu, ngày 13/11/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ (Điều 17), một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định chỉ được giao cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là "chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp".

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trước hết, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong nhiều hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Báo cáo tổng kết thi hành Luật đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chủ yếu xảy ra tại các chi nhánh của doanh nghiệp.

Do đó, nếu để quá nhiều chi nhánh của doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ này trong khi năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế thì không tránh khỏi tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo đã xảy ra thời gian qua.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp tục giữ quy định như dự thảo Luật.