Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Luật Thanh niên (sửa đổi) theo hướng tạo điều kiện để giới trẻ phát huy hết sức sáng tạo

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần xây dựng theo hướng: Tạo điều kiện để thanh niên chủ động phản ánh nguyện vọng, đề xuất sáng kiến, ý tưởng xây dựng và thực thi chính sách trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Nội vụ đánh giá, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy, việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Luật Thanh niên (sửa đổi) theo hướng tạo điều kiện để giới trẻ phát huy hết sức sáng tạo - Ảnh 1.

Luật Thanh niên (sửa đổi) cần sửa đổi theo hướng làm rõ nhóm chính sách để đảm bảo sự phát triển của thanh niên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ giúp thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước. Bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Nguyễn Thanh Hảo (Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương) cho rằng, Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này gồm 6 chương và 54 điều, có nhiều điểm mới so với Luật Thanh niên 2005. Trong đó, bổ sung quy định về Tháng Thanh niên; đối thoại thanh niên; về tham gia quản lý nhà nước và phản biển xã hội... Tuy nhiên, dự thảo vẫn chỉ tiếp cận với chính sách của nhà nước "cho" thanh niên mà chưa đề cập đến việc thanh niên vừa là chủ thể (tham gia xây dựng, quản lý), vừa là đối tượng thụ hưởng của chính sách.

Về tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội, ông Hảo đề xuất, Luật sửa đổi cần bổ sung nội dung: Thanh niên phải được giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thanh niên chủ động phản ánh nguyện vọng, đề xuất sáng kiến, ý tưởng xây dựng và thực thi chính sách trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức cá nhân có trách nhiệm giải đáp, phản hồi, tham vấn, ý kiến thanh niên trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Về góc độ chính sách của nhà nước dành cho thanh niên, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Dũng (Viện nghiên cứu Thanh niên) cho rằng: Hầu hết các chính sách mà nhà nước dành cho thanh niên đã được quy định tại các văn bản chuyên ngành như: Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động; Luật Việc làm, Luật Khám chữa bệnh.

Các quy định về chính sách đối với thanh niên như dự thảo hiện nay sẽ có những hạn chế là một số chính sách của nhà nước dành cho thanh niên đã được các luật chuyên ngành khác quy định. Ví dụ: Chính sách cung cấp thông tin về thị trường lao động, vay vốn giảm nghèo đưa thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong dự thảo đã được quy định trong Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn. Ông Dũng đề xuất ban soạn thảo cân nhắc quy định nhóm chính sách của nhà nước dành cho thanh niên theo các hướng như: Nguyên tắc của chính sách hoặc thực hiện chính sách; đảm bảo sự hỗ trợ thanh niên tiếp cận chính sách; đề xuất các chính sách cụ thể, các chính sách cho từng đối tượng thanh niên mà luật khác chưa quy định.

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ pháp luật về thanh niên của một số quốc gia, ông Nguyễn Tuấn Dũng kiến nghị, xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên; xây dựng một cơ chế thực thi cụ thể trong Luật theo hướng xác định rõ thiết chế, nguồn lực và các biện pháp đảm bảo thực hiện. Tập trung quy định, làm rõ các nhóm chính sách để đảm bảo sự phát triển của thanh niên bao gồm giáo dục, việc làm và cơ hội, sức khoẻ, sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và đời sống xã hội.