Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mở rộng Hạ Long: “Cò” đất “thổi” giá, chính quyền phát loa cảnh báo

Sau thông tin sáp nhập thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ, đất đai ở một số xã ven vịnh Cửa Lục, tiếp giáp với vịnh Hạ Long bỗng “sốt” đùng đùng, mà phần lớn do các “cò” đất lộng hành, “thổi” giá. Chính quyền địa phương đã phải sử dụng nhiều biện pháp cảnh báo, trong đó có tuyên truyền lưu động tại các khu vực đang có “sốt” đất.

Theo Lao Động, những ngày qua, các sàn giao dịch trực tiếp tại các xã ở huyện Hoành Bồ và trên mạng luôn nhộn nhịp thông tin mua-bán đất tại một số xã nằm ven vịnh Cửa Lục, thuộc huyện Hoành Bồ, đặc biệt là các xã Thống Nhất, Lê Lợi. Một số người chỉ trong vài giờ giao dịch đã kiếm cả trăm triệu đồng/lô đất.

Kỳ vọng về một thành phố Hạ Long mới đạt đẳng cấp quốc tế trong tương lai, với vịnh Cửa Lục là trung tâm, nhiều người hy vọng kiếm được chút lời lãi bằng những đợt lướt sóng bất động sản. Trong đó, có không ít người biết những lô đất mình đang mua bán không có giấy tờ hoặc chưa đủ điều kiện để giao dịch.

Mở rộng Hạ Long: “Cò” đất “thổi” giá, chính quyền phát loa cảnh báo - Ảnh 1.

Dự án bất động sản này nằm bên bờ vịnh Cửa Lục bỏ hoang từ chục năm nay bỗng trở nên "sốt" dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Nguyễn Văn Nhã – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoành Bồ – rất nhiều khu vực, kể cả những dự án bất động sản đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện giao dịch. Thậm chí, nhiều dự án đang nằm trong diện thu hồi do chậm tiến độ đến cả thập kỷ.

“Rất nhiều dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng, chính quyền đã nhiều lần cảnh báo. Người dân nên thận trọng, nếu không sẽ chịu thiệt thòi. Chúng tôi khẳng định tất cả đất đai, mặt nước xung quanh bờ vịnh Cửa Lục không nơi nào đủ điều kiện mua bán cả. Những khu vực khác, huyện cũng yêu cầu tạm không không sang tên đổi chủ, không tách thửa” – ông Nhã cho biết.

Mở rộng Hạ Long: “Cò” đất “thổi” giá, chính quyền phát loa cảnh báo - Ảnh 2.

Một dự án san lấn rừng ngập mặn ngay bên bờ vịnh Cửa Lục. Ảnh: Nguyễn Hùng

Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoành Bồ – ông Nguyễn Anh Tú – cho biết, chiều nay (ngày 6/1), huyện có thêm biện pháp khác để cảnh báo người dân về tình trạng sốt ảo, “cò” đất tại các xã ven vịnh Cửa Lục. Theo đó, bắt đầu từ chiều nay, một xe ôtô có gắn loa sẽ chạy khắp khu vực này để cảnh báo tới người dân.

Theo Vnexpress, trong phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, địa giới hành chính Hạ Long được nghiên cứu mở rộng. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp là ranh giới Hạ Long hiện tại với diện tích hơn 27.700 ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp là các khu lân cận gồm bốn xã phía nam huyện Hoành Bồ và hai phường, xã của thị xã Quảng Yên.

Theo quy hoạch, quy mô dân số năm 2017 của Hạ Long là 384.000 người; đến năm 2030 khoảng 570.000-600.000 người và 2040 khoảng 720.000-810.000 người.

Về các chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch đặt ra các chỉ tiêu: đất dân dụng khoảng 110-130 m2/người; đất công cộng đô thị 5-7 m2/người; đất cây xanh 7-15 m2/người và đất ở là 40-50 m2/người.

Mục tiêu của quy hoạch là nâng cao vị thế của Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung trong khu vực và quốc tế; phát triển Hạ Long theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hạ Long sẽ được xây dựng thành thành phố du lịch biển văn minh, đẳng cấp quốc tế, với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đây cũng là trung tâm hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh Quảng Ninh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Bắc; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; là thành phố phát triển theo mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh...