Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mùa cưới cận kề, niềm vui trở lại trên những "con phố cưới hỏi" ở Hà Nội:

Từng có thời gian lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid -19, có những thời điểm các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi phải tự bỏ tiền túi để trả tiền mặt bằng. Nay khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, công việc kinh doanh của họ cũng đang dần khôi phục.

Khi tin tức về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, khách hàng nhắn tin huỷ cưới dồn dập qua điện thoại, cả con phố "cưới hỏi" bỗng vắng tanh khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi rơi vào tình trạng lao đao. 

"Kỳ nghỉ dài nhất trong lịch sử" vì dịch Covid-19 khiến người người mệt mỏi, ngao ngán. Dịch bệnh không những khiến cuộc sống sinh hoạt bị hạn chế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới "bát cơm" của mỗi tiểu thương trên những con phố kinh doanh dịch vụ cưới hỏi ở Hà Nội.

Thời điểm mùa cưới đã cận kể, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng xuống, cuộc sống dần trở lại bình thường cũng là lúc công việc kinh doanh của họ tốt lên.

"Không lo chết đói nữa"

Tâm tư của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi khi mùa cưới cận kề: "Giờ thì chúng tôi đã không còn lo chết đói nữa" - Ảnh 1.

Các cửa hàng kinh doanh đồ cưới hỏi trên phố Hàng Than thưa thớt khách hàng đến đặt đồ lễ cưới.

Ghi nhận tại phố Hàng Than, và Hàng Gà những nơi được xem như con phố cưới hỏi ở Hà Nội, các chủ cơ sở kinh doanh thay vì ngồi rảnh rỗi nay đã bắt tay vào công việc để phục vụ cho khách hàng trong mùa cưới hỏi.

Chị Thân Thị Liên (38 tuổi) chủ cửa hàng kinh doanh bánh cốm, đồ cưới hỏi trên phố Hàng Than phấn khởi cho biết sau nhiều tháng chật vật để cầm cự vì không có khách hàng nay cửa hàng chị đã bắt đầu nhận được những đơn hàng đầu tiên.

Tâm tư của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi khi mùa cưới cận kề: "Giờ thì chúng tôi đã không còn lo chết đói nữa" - Ảnh 2.

Cửa hàng của chị Liên đang bắt đầu nhận những đơn hàng đầu tiên khi mùa cưới cận kề.

"Mỗi năm chúng tôi có hai dịp bận rộn nhất là tháng Giêng và tháng 9, tháng 10. Tuy nhiên năm nay vào thời điểm tháng Giêng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khách hàng hoãn cưới nhiều nên đơn hàng của cửa hàng tôi bị huỷ rất nhiều.

Từ ngày dịch đến giờ chúng tôi vẫn mở cửa nhưng không có khách, khoảng 2-3 tháng tôi phải tự bỏ tiền vốn để trả tiền mặt bằng. Cửa hàng tôi thuê mặt bằng rẻ hơn các cửa hàng khác nên còn cầm cự được chứ nhiều cửa hàng gần đây phải sang nhượng rồi trả mặt bằng do không đủ tiền chi trả.

May sao dịch tạm thời được đẩy lùi đúng vào thời điểm mùa cưới cận kề nên hiện tại chúng tôi đã bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. Thế này thì không lo chết đói nữa, cứ đà này thì vào đúng mùa cưới chúng tôi sẽ có thu nhập ổn định trở lại", chị Liên chia sẻ.

Tâm tư của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi khi mùa cưới cận kề: "Giờ thì chúng tôi đã không còn lo chết đói nữa" - Ảnh 3.

Chị Liên tự mình làm đồ lễ cưới cho khách, cách làm này giúp chị tiết kiệm được chi phí trong thời điểm dịch Covid-19.

Theo lời chị Liên, thay vì thuê nhân viên làm như những cửa hàng khác, chị lại tự mình làm đồ lễ cưới cho khách, cách làm này giúp chị tiết kiệm được chi phí trong thời điểm dịch Covid-19.

"Tất cả đồ lễ của khách tôi đều tự tay làm chứ không thuê nhân viên cố định như những cửa hàng khác. Hôm nào nhiều đơn thì tôi thuê 1-2 thợ có tay nghề rồi trả tiền theo ngày nhờ đó mà trong mùa dịch dù không có khách hàng tôi vẫn tiết kiệm được chi phí.

Tâm tư của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi khi mùa cưới cận kề: "Giờ thì chúng tôi đã không còn lo chết đói nữa" - Ảnh 4.

Thời gian cách ly xã hội, cửa hàng đóng cửa tôi lại chuyển sang kinh doanh online, liên tục cập nhật hình ảnh của cửa hàng để khách hàng nhớ tới. Vừa rồi cửa hàng tôi có một khách hàng đặt đồ ăn hỏi hồi tháng 2 sau khi tạm hoãn đến hôm qua họ quay lại đặt đồ lễ", chị Liên vui vẻ.

Thời điểm này mọi năm các cửa hàng đồ lễ cưới bày chật cứng đồ của khách đặt tuy nhiên năm nay chỉ bày những mẫu làm sẵn.

Cùng chung tâm lý phấn chấn với các chủ cửa hàng ở Hàng Gai là các trung tâm tổ chức tiệc cưới ở Hà Nội. Dịch bênh tạm lắng xuống, tâm lý lo lắng được giảm bớt, các cặp đôi đã bắt đầu đặt địa điểm để tổ chức tiệc khiến công việc kinh doanh tại các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới bắt đầu khởi sắc.

Trao đổi qua điện thoại với hàng loạt trung tâm tiệc cưới lớn ở Hà Nội như Trống Đồng Cảnh Hồ, Xanh Place, Queen Bee..., chúng tôi được biết tất cả những ngày cuối tuần và những ngày đẹp (theo lịch âm) từ tuần tới cho đến cuối năm đều đã kín người đặt. Đây là một dấu hiệu đáng mừng với ngành nghề kinh doanh có mức đầu tư lớn và vốn đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Vui, nhưng vẫn thấp thỏm

Cũng vui vì tình hình kinh doanh được cải thiện hơn trước đó, tuy nhiên chị Ly - một chủ cửa hàng in thiệp cưới trên phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm) cho biết bản thân đang trong tình trạng thấp thỏm. Dù mùa cưới sắp quay trở lại, nhưng dịch bệnh kéo dài đã lâu khiến chị Ly lo ngại thói quen mời cưới của khách hàng ít nhiều cũng thay đổi, ảnh hưởng không tốt tới công việc của chị.

"Thời điểm này mọi năm thì khách hàng tại cửa hàng tôi là tấp nập rồi chứ không như năm nay. Nhiều khách hàng đặt in thiệp tại cửa hàng chúng tôi nhưng phải hoãn cưới do dịch Covid-19 nên họ gọi điện thông báo huỷ đơn hàng.

Nhiều khách hàng phải hoãn cưới đến 2-3 lần nên họ không đặt in thiệp cưới mà chủ yếu họ mời bạn bè bằng việc nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp để mời. Như mấy hôm nay tình hình dịch Covid-19 dần được đẩy lùi nên khách hàng có dự định cưới trong thời gian tới họ đến đặt in thiệp rồi tuy nhiên số lượng chưa bằng được mọi năm", chị Ly chia sẻ.

Tâm tư của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi khi mùa cưới cận kề: "Giờ thì chúng tôi đã không còn lo chết đói nữa" - Ảnh 6.

Các cửa hàng in thiệp cưới cũng vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách hàng gọi điện mời người thân, bạn bè thay vì in thiệp cưới.

Lo ngại của chị Ly là hoàn toàn có cơ sở, mà trường hợp của anh Nguyễn Đức Khương (quận Hà Đông) là một minh chứng. Có dự định lấy vợ từ tháng 5 tuy nhiên do dịch bệnh nên anh Khương đã phải lùi kế hoạch đến cuối tháng 9 năm nay. Anh Khương cho biết, do lo ngại dịch bệnh nên anh đã chủ động không in thiệp cưới, mà gọi điện mời người thân, bạn bè.

"Đợt tháng 5 thì tôi đã lên kế hoạch hết cho lễ cưới từ đồ ăn hỏi, in thiệp mời tuy nhiên lại phải hoãn lại vì dịch Covid-19. Thời gian này cuộc sống dần ổn định trở lại bình thường nên tôi đã lên kế hoạch tổ chức lễ cưới vào tháng 9 này.

Cũng hơi lo lắng vì không biết có phải hoãn cưới nữa hay không nên vợ chồng tôi chủ động gọi điện mời mọi người chứ không in thiệp cưới nữa. Còn đồ lễ cưới thì tôi cũng đã đặt trước tại một cửa hàng của người quen", anh Khương chia sẻ.

Dịch bệnh xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống, khiến hầu hết mọi ngành nghề kinh doanh đối mặt với khủng hoảng khiến nảy sinh tâm lý e dè. Nên khi dịch bệnh tạm lắng xuống, tình hình có khả quan hơn nhưng tâm lý thấp thỏm, thận trọng là khó tránh khỏi và có thể nói là cần thiết với các tiểu thương như chị Ly. 

Theo chị Ly, việc kinh doanh của chị có lẽ phải mất rất lâu nữa mới trở lại bình thường, tuy nhiên tình hình hiện tại cũng khiến chị rất phấn khởi vì dẫu sao cũng có thu nhập sau nhiều tháng "đóng băng".

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết các tiểu thương trên các con phố chuyên dịch vụ cưới hỏi cho biết, với họ quan trọng nhất lúc này vẫn là đảm bảo thật tốt các quy định phòng dịch. Bởi chính họ hiểu hơn ai hết, chỉ khi dịch bệnh không còn nữa, công việc kinh doanh của họ mới có thể trở lại tốt như trước kia.