Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Múa xòe Thái - Mường Lò ở Yên Bái

(Dân sinh) - Xòe để mùa màng bội thu, cây đơm hoa kết trái, xòe trong say đắm tình người. Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự tinh tế, quyến rũ điệu múa của xòe.

Múa xòe Thái - Mường Lò ở Yên Bái - Ảnh 1.

Điệu múa xòe Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Nhiều người bảo nhau, ai đã một lần đến Tây Bắc, đặc biệt là đặt chân đến đất Mường Lò, Nghĩa Lộ (Yên Bái) mà chưa được đắm mình trong các điệu xòe nồng say với các cô gái Thái thì chuyến đi ấy dường như chưa trọn vẹn.

Trong văn hóa người Thái ở Yên Bái, múa xòe còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa nên dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, múa xòe vẫn được các thế hệ nối tiếp lưu truyền. Đặc biệt, trong mỗi điệu xòe đều ẩn chứa ý nghĩa nhân sinh cao cả của cộng đồng người Thái miền Tây Bắc.

Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Bởi xòe luôn thu hút được tất cả mọi người, không phân biệt người già hay trẻ, người lạ hay quen. Mọi người đều nắm tay nhau thân ái. Địa điểm tổ chức múa xòe cũng rất linh động. Có thể ở sân nhà, trên sân khấu, cũng có thể ở dưới gốc cây hoặc trên sân bãi... nơi nào cũng có thể múa xòe.

Những người tham gia múa xòe tay trong tay, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Động tác, đội hình xòe rất giản dị, các bước đi của vòng xòe gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày.

Múa xòe Thái - Mường Lò ở Yên Bái - Ảnh 2.

Các bước đi của vòng xòe gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau những ngày lao động vất vả, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng, trong tiếng trống, tiếng khèn mời gọi, mọi người đến quây quần cùng nắm tay nhau quay vòng trong điệu xòe hoa. Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, để rồi, sau hội xòe, mọi người lại vui vẻ trở về với cuộc sống đời thường, sống gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn và hăng say lao động hơn…

Lâu nay tại đất Mường Lò (Yên Bái), các nghệ nhân già luôn nghĩ cách gìn giữ các điệu xòe cổ, vốn là cái hồn dân vũ của người Thái. Với nhiệt huyết của mình, họ vẫn đang truyền dạy cho con cháu từng cử chỉ, động tác múa xòe.

Xòe Thái có tên trong Danh sách di sản Văn hóa phi vật thể dự kiến lập Hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016 theo Công văn số 8868/VPCP-KGVX ngày 5/11/2012 của Văn phòng Chính phủ.
Mục tiêu đặt ra là sẽ ghi danh nghệ thuật xòe Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc trong danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2019.
Nghệ thuật xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam, tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

(Nguồn: Vietnam+)

Múa xòe Thái - Mường Lò ở Yên Bái.