Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mức đóng đoàn phí, kinh phí Công đoàn năm 2020

Bên cạnh BHXH, đoàn phí, kinh phí Công đoàn cũng là một trong những khoản tiền mà doanh nghiệp lẫn người lao động phải đóng hàng năm.

Mức đóng

Theo điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ: Đoàn viên ở các Công đoàn (CĐ) cơ sở thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức đóng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Trong đó, đoàn viên ở các CĐ cơ sở doanh nghiệp (DN) Nhà nước: Mức đóng bằng 1% tiền lương thực lĩnh, tối đa bằng 10% mức lương cơ sở. Đoàn viên ở các CĐ cơ sở thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Mức đóng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tối đa bằng 10% mức lương cơ sở. Với những cơ quan, đơn vị, DN khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí hay đoàn viên không thuộc đối tượng đóng BHXH thì mức đóng đoàn phí thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở.

Mức đóng đoàn phí, kinh phí Công đoàn năm 2020 - Ảnh 1.

Đoàn viên ở các Công đoàn cơ sở thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Mức đóng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Như vậy, căn cứ mức lương cơ sở mới theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, mức đóng đoàn phí CĐ hàng tháng của người lao động NLĐ trong năm 2020 như sau: Mức đóng tối thiểu, từ ngày 1-1-2020: 1% x 1,49 triệu đồng/tháng = 14.900 đồng/tháng; từ ngày 1-7-2020: 1% x 1,6 triệu đồng/tháng = 16.000 đồng/tháng; Mức đóng tối đa, từ ngày 1-1-2020: 10% x 1,49 triệu đồng/tháng = 149.000 đồng/tháng; từ ngày 1-7-2020: 10% x 1,6 triệu đồng/tháng = 160.000 đồng/tháng

Lưu ý: Đoàn viên hưởng trợ cấp BHXH từ 1 tháng trở lên hoặc không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 1 tháng trở lên không hưởng lương thì thời gian này sẽ không phải đóng đoàn phí.

Mức trích nộp 

Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP nêu rõ: DN, cơ quan, đơn vị dù thành lập CĐ cơ sở hay không đều phải đóng kinh phí CĐ hàng tháng với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Trong đó, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Với quy định này, có thể thấy, mức trích nộp kinh phí CĐ của DN không chịu tác động trực tiếp của việc tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, dựa trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thì mức trích nộp này sẽ thay đổi nếu DN tăng mức lương tháng đóng BHXH cho NLĐ.

Có thể thấy, việc tăng lương cơ sở không chỉ tác động đến tiền lương, mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm của NLĐ mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới các khoản đóng góp khác của NLĐ cũng như DN.