Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mức giảm của giá xăng dầu trong nước so với thế giới “khập khiễng” là do phải trích lập Quỹ bình ổn giá

Từ giữa tháng 1-2020 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm theo đà lao dốc của giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, mức giảm giá xăng dầu trong nước vẫn còn khoảng cách khá xa, “khập khiễng” với thị trường thế giới.


Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Anhr minh hoaj

Nếu lấy cột mốc ngày 15-3, giá xăng E5 giảm chỉ còn 16.056 đồng/lít, xăng RON95-III còn 16.812 đồng/lít. Nếu làm một so sánh, giá xăng E5 trong nước đã giảm gần 3.800 đồng/lít - tương ứng giảm 19,1%, nhưng cùng thời điểm này, giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới lại giảm đến 32,4%; xăng RON 95 giảm hơn 4.000 đồng/lít - tương đương giảm 19,6%, trong khi giá xăng RON 95 trên thị trường thế giới giảm đến 32,3%.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước đang kêu khó do hàng tồn kho tăng cao và chênh lệch giá sản phẩm, dầu thô thấp, khiến lỗ nặng. Đơn cử, lũy kế 2 tháng đầu năm, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ 313 tỷ đồng.

Theo một số DN đầu mối, lý do mức giảm của giá xăng dầu trong nước so với thế giới “khập khiễng” là do cơ quan điều hành giá phải liên tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, để có dư địa đề phòng khả năng giá xăng dầu thế giới bật tăng trở lại. Đây cũng là đặc thù của giá xăng dầu ở Việt Nam khi vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, được điều hành trên cơ sở Luật Giá và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Quỹ bình ổn giá đóng vai trò như một chiếc van để đóng/mở giá xăng dầu trước những biến động trên thị trường thế giới. Nếu giá thế giới tăng mạnh, quỹ này sẽ được xả để kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước.

Việc tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được bàn thảo nhiều lần trước đây. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị bỏ quỹ này để giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với thế giới. Bởi việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu theo Nghị định 83 khiến người tiêu dùng bị thiệt, khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các DN đầu mối thực chất là khoản thu trước của người tiêu dùng. Do đó, ủy ban này đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình, hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi, việc lập quỹ hiện nay chưa giải quyết bình ổn giá, trái lại còn tạo lợi thế cho các DN tích tụ một số vốn từ quỹ trên để giảm vốn vay. Từ đó, dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.