Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Mừng tuổi ngày Tết gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới

Tết với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng và sự san sẻ hạnh phúc, cùng chúc nhau và hướng về tương lai tươi đẹp. Và để chuyển tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, ngoài những câu chúc ấm áp thân tình, người Việt còn trao nhau phong bao mừng tuổi ngày Tết.

Mừng tuổi vào dịp đầu năm là một phong tục phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu vào dịp Tết Nguyên Đán, nhiều nơi thường gọi là lì xì.

Theo một số nhà nghiên cứu, tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, tương truyền ngày xưa ở Đông Hải có một cây đào to, có rất nhiều yêu quái sống trong bông cây, nào là hồ ly tinh, chuột tinh, sói già... Chúng luôn muốn ra ngoài để gây hại, nhưng bình thường luôn có các thần tiên ở hạ giới canh giữ chúng nên không con nào thoát ra ngoài được.

Nhưng hễ tới đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, thế là lũ yêu tinh có cơ hội tự do nhân lúc chuyển giao nhiệm vụ của các vị thần. Nhân cơ hội đó, có một loại yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên và sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho con yêu quái hại con mình.

Mừng tuổi ngày Tết: Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa - Ảnh 1.

Một lần, có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền ấy vào vải đỏ. Khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng, nó sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền ra, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.

Một truyền thuyết khác kể rằng, tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử, được tin mừng nhà vua đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là chiếc bùa Hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này được đồn đại ra ngoài, từ cung đình lan rộng ra dân gian, nhiều người bắt chước tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con.

Theo những nghiên cứu khác, tục mừng tuổi ở Trung Quốc đã có từ đời Tần. Vào thời gian đó, người ta dùng một sợi chỉ đỏ để xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thành kiếm để ỏ chân giường hoặc cạnh gối trẻ em. Xâu tiền đó gọi là tiền áp Tuế giống như cách gọi của người Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ được tiền, được lộc có thể vượt qua tuổi đó với những điều tốt lành và may mắn.

Xưa kia, ở Trung Quốc, tiền mừng tuổi thường là một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi. Ngày nay, tiền mừng tuổi đầu năm, còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe, may mắn, thành đạt được cho vào phong bao bằng giấy đỏ hoặc vải nhung đỏ, có những trang trí mang nghĩa cát tường, hạnh phúc và những câu chúc, an lành, phát đạt như "Hòa gia bình an", "Kim ngọc mãn đường", "Vạn sự như ý"... Vì vậy, tặng tiền áp Tuế còn được gọi là tặng Hồng Bao.

Từ "lì xì" trong tiếng Việt, sử dụng phổ biến ở miền Nam, được cho là có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, là cách đọc của từ "lợi thị" hoặc "lợi sự" (phát âm theo giọng Quan Thoại là li shi, theo giọng Quảng Đông là lì xì, lầy xì), có nghĩa gốc là một món đồ hay món tiền mang đến lợi lộc, vận tốt, vận may. Tặng lì xì là tặng món tiền thể hiện điều lành và may mắn cho đứa trẻ.

Ở Việt Nam, không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu rồi, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới và là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc truyền thống của người Việt.

Mừng tuổi ngày Tết: Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa - Ảnh 2.


Theo tục lệ từ xưa, cứ vào sáng mùng Một tết Nguyên đán, tất cả con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy hên và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Con cháu nhận bao đỏ mừng tuổi như nhận tình yêu thương của ông bà, cha mẹ dành cho mình với lời chúc may mắn và hạnh phúc trong cả năm.

Sáng sớm mồng một Tết hay ngày "Chính đán", mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng và mừng tuổi lẫn nhau. Người lớn "mừng tuổi" trẻ em một cách cụ thể bằng những đồng tiển mới bỏ trong những "phong bao". Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là "Tiền mở hàng". Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ, kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt.

Tiền mừng tuổi ý nghĩa chính không nằm ở số tiền nhiều ít mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe, bách niên giai lão. Còn ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang... Những chiếc phong bao đỏ mừng tuổi thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau hơn, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn.

Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Dù cho thời gian có trôi đi thì sự mong mỏi được nhận chiếc phong bao mừng tuổi trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi.

Ngày nay, việc mừng tuổi ngày tết Nguyên đán cũng khác xưa, cả về hình thức bề ngoài, lẫn cả giá trị bên trong. Vì mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa nên việc trao và nhận cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục mừng tuổi Tết thêm phần ý nghĩa.