Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năm 2020, dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD và đạt 60 tỷ USD vào năm 2025

(Dân sinh) - Tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas đánh giá: năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đứng trước một số cơ hội. Theo đó, mục tiêu năm 2020, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.

Cụ thể, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) khả năng sẽ có hiệu lực trong năm 2020, sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng hiệu quả khi thuế suất giảm dần về 0%.

Quy tắc xuất xứ từ sợi (CPTPP) và từ vải (EVFTA) sẽ thu hút đầu tư vào các khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam như dệt, nhuộm.

Dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Pakistan… Các nước này  coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh và có chính sách hỗ trợ dệt may nước mình phát triển.

Một khó khăn, thách thức nổi cộm phải kể tới là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi Mỹ áp thuế cao với hàng dệt may Trung Quốc sẽ xuất hiện xu hướng chuyển tải bất hợp pháp, giạn lận xuất xứ của các doanh nghiêp Trung Quốc sang Việt Nam.

Đây là nguy cơ để Mỹ có thể truy xuất nguồn gốc, đánh thuế chống lẩn tránh đối với hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt, những thiết bị, công nghệ lạc hậu đang sản xuất tại Trung Quốc sẽ di chuyển sang Việt Nam…

Xung quanh câu chuyện cơ hội, thách thức đặt ra cho ngành dệt may thời gian tới, ông Nguyễn Đức Giang, Chủ tịch Vitas phân tích thêm: Dệt may Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Các FTA như CPTPP, EVFTA khả năng sẽ là cú hích cho giai đoạn phát triển mới, song cũng tạo áp lực phải cơ cấu lại ngành, giải quyết những khâu yếu như thiết kế, thương hiệu, quản trị, tự chủ nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Năm 2020, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.

Trong năm 2020, để tận dụng tốt cơ hội và hạn chế tối đa tác động của thách thức, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền.

Các doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm cần chú trọng khâu chuyển giao công nghệ, lồng ghép chương trình đào tạo nhân lực về quản lý kỹ thuật, công nghệ khi ký hợp đồng mua máy móc, thiết bị.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,55% so với năm 2018. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21% so với năm 2018. Như vậy, năm 2019, dệt may Việt Nam xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD so với năm 2018.