Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng ngừa lao động trẻ em

(Dân sinh) - Điều 26 Luật Trẻ em quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Trẻ em 2016 là bóc lột trẻ em. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Phê duyệt Chương trình Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình).

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng ngừa lao động trẻ em - Ảnh 1.

Trẻ em tham dự Diễn đàn Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em.

Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành, tổ chức liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em. 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Theo đó, nội dung chính của chương trình là truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho chính quyền các cấp, ngành, tổ chức, người sử dụng lao động, xã hội, cha mẹ và trẻ em. Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm tạo mối quan tâm, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của xã hội đối với công tác phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng này. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các chương trình, tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ. Triển khai các hình thức truyền thống phù hợp với từng nhóm đối tượng của chương trình; tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cộng đồng, trường học, người sử dụng lao động, đặc biệt tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức

Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật. Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ; tài liệu về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật. Tổ chức đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ; phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

Chương trình cũng thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em: Tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em. Hỗ trợ trẻ em thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp. Trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật.