Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng đồng bảo dân tộc thiểu số

Theo các chuyên gia tại Hội thảo khuyến nghị lồng ghép giới trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại của phụ nữ dân tộc thiểu số thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ là rất quan trọng. Khi người phụ nữ nắm quyền kinh tế trong gia đình, họ sẽ có quyền đưa ra quyết định.

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng thành 10 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó, dự án số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nâng cao vị thế cho phụ nữ vùng đồng bảo dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số bán các sản phẩm thổ cẩm tại khu du lịch Sapa.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật Chương trình giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập (Tổ chức Plan) cho rằng, để nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số cần tính tới nhu cầu và hạn chế của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Trước tiên, tạo hệ thống thông tin thị trường lao động thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh doanh trực tuyến (du lịch sinh thái, bán hàng thủ công mỹ nghệ, nông, lâm sản), tạo cơ hội kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật.

Xây dựng và phát triển mô hình nhiều bên tham gia đào tạo nghề trong công việc cho em gái tốt nghiệp THCS, THPT, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm hỗ trợ di cư, hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động, xem xét các chuẩn mực giới trong phân chia lao động, giải quyết các vấn đề của phụ nữ trung niên...

Bà Lan cho rằng, qua đó sẽ giúp phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số có thể tham gia tốt hơn vào các lĩnh vực của cuộc sống, giảm khoảng cách giới; thúc đẩy vai trò của nam giới tham gia vào các công việc gia đình, chăm sóc con cái… Đặc biệt, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại của phụ nữ dân tộc thiểu số, việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ là rất quan trọng. Khi người phụ nữ nắm quyền kinh tế trong gia đình, họ sẽ có quyền đưa ra quyết định như người chồng.

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH Đào Trọng Độ cho biết, thực tế hiện nay, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới. Đây là rào cản trong quá trình thực hiện bình đẳng nói chung và bình đẳng giới trong thị trường lao động nói riêng. Việt Nam là một trong số các quốc gia trên thế giới đã và đang tham gia nhiều công ước về bình đẳng giới. Điều này cho thấy, không chỉ đến bây giờ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia Việt Nam mới quan tâm đến vấn đề này.

Ông Độ thông tin: "Trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp, phụ nữ được ưu tiên khi tham gia các chương trình đào tạo nghề nghiệp, việc làm và việc làm bền vững. Nhờ đó, góp phần khắc phục khoảng cách giới, tạo điều kiện thúc đẩy việc làm bền vững, an sinh xã hội cho phụ nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp".