Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng khống giá trị gói thầu, Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm đối diện án phạt nào?

Luật sư cho rằng, hành vi của các bị can gây bất bình trong dư luận, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19. Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nhận định hành vi của các bị can đã cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc.

Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 đồng phạm về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nêu quan điểm, trong khi toàn thể nhân dân cả nước cùng chung tay với Chính phủ chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều người dân quyên góp từng chút một thì hành động của nhóm đối tượng này thật là vô cảm, khó chấp nhận.

Nhóm bị can trong đó có 3 cán bộ CDC Hà Nội là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật. Đáng lẽ, họ phải cùng chung tay chống dịch đem lại sự sống cho người dân thì họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. 

Luật sư Bình cho rằng, hành vi của các bị can đã cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc. Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan nếu có.

"Việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi là tình tiết bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, các bị can sẽ đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể với khung cao nhất của tội danh đến 20 năm tù", luật sư Bình nói.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) nhận định, hành vi của các bị can gây bất bình dư luận, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang phòng chống dịch căng thẳng.

Nếu nhóm bị can có hành vi như đã nêu phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm được quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu và phụ tùng, chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp trên.

Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội đưa vào với giá hơn 7 tỷ đồng/hệ thống, cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Liên quan đến vụ án có 7 người bị khởi tố gồm: Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 2 nhân viên cấp dưới là Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán) và Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán); Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành); Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).