Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Năng suất lao động tăng, nhưng còn nhiều thách thức

Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Ở cấp độ quốc gia, trong điều kiện hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, năng suất lao động xã hội là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.

Theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động) hay nói cách khác, năng suất lao động năm 2018 tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm, trong khi tăng trưởng GDP năm 2011 tăng 5,89% so với năm 2010, tương ứng năm 2018 tăng 7,08% so với năm 2017.

Năng suất lao động tăng, nhưng còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Năng suất lao động tăng, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực

Một chỉ số cũng rất quan trọng liên quan đến năng suất lao động và việc làm đó là 5 năm gần đây tốc độ tăng của chỉ số CPI luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều đó cho thấy những chính sách về ưu tiên ổn định vĩ mô của chính phủ đã được phát huy tác dụng tốt trong thời kỳ này, Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn nhấn mạnh.

Tính theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011- 2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm); Malaisia (2%/năm); Thailand (3,2%/năm); Indonesia (3,6%/năm); Philippines (4,4%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaisia, 37% của Thaland; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

4 chỉ số chính tác động đến năng suất lao động: Chỉ số thứ nhất, nông nghiệp, thủy hải sản chiếm hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 16% GDP. Hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong rất thấp. Các bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất... trở thành điểm nghẽn đối việc tích tụ ruộng đất, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nhằm gia tăng năng suất lao động.

Năng suất lao động tăng, nhưng còn nhiều thách thức - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Chỉ số thứ hai, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tuy phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2018 đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82 của thế giới;

Chỉ số thứ ba, số lượng lực lượng lao động đông nhưng chất lượng còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao;

Chỉ số thứ tư, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp. Doanh nghiệp khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước; doanh nghiệp nhà nước có tài sản lớn nhưng kém năng lực cạnh tranh, hiệu quả sử dụng còn hạn chế; khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ mới và liên kết yếu.

Mặc dù ở Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và thu nhập bình quân đầu người tăng, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đất nước này phải đối mặt với nhiều thách thức trong thế giới lao động. Để tăng cường các kỹ năng cần thiết và sử dụng hiệu quả khả năng của cách mạnh công nghệ 4.0 theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, Việt Nam cần có các biện pháp căn cơ.

Trước tiên, cần tăng cường tiếp cận và nâng cao nhận thức toàn xã hội, thể chế, doanh nghiệp và người lao động, tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tác động của nó đối với nền kinh tế của đất nước nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thứ hai, cần cải thiện hệ thống pháp luật về lao động và việc làm. Thứ ba, cần cập nhật toàn diện đào tạo nghề, thực hiện các bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề theo yêu cầu của Công nghiệp 4.0.

MỜI QUÝ VỊ THEO DÕI THÔNG TIN TIẾP THEO TẠI ĐÂY