Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngân hàng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, đã chuyển 16 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%.

260.000 khách hàng được miễn, giảm lãi suất với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, hàng loạt ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động tiền gửi. Đây là điều kiện cần thiết để các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động.

Từ ngày 13/5, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, lãi suất tối đa cho kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm; lãi suất tối đa kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về mức 4,25%/năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng từ 4,3% xuống 4%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng giảm xuống 4,25%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này ở mức 6,8%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng và từ 24 tháng đến dưới 36 tháng. Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình điều chỉnh lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,35 - 4%/năm...

Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất huy động cùng với việc tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), sau 2 tháng triển khai quyết liệt, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 ngàn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng. Đồng thời, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 ngàn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

Ngân hàng Nhà nước đã chuyển 16.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay trả lương

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển khoản tiền 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Số vốn vay này được hưởng lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần xác nhận của UBND. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định 15 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm. Áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động là 12%/năm đối với số tiền chưa trả đúng. Đây là số tiền nằm trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngay từ khi dịch mới bắt đầu xuất hiện, ngành ngân hàng đã chủ động khẩn trương đánh giá, nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Với quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp để hợp tác lâu dài với doanh nghiệp và cũng để giải quyết vấn đề nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước đã "buộc" các ngân hàng với các chỉ đạo kiên quyết. Sau 2 tháng tín dụng chững lại, đến tháng 4, tín dụng đã tăng 1,43%. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì, chưa có phương án sản xuất kinh doanh nên cũng không vay thêm, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.