Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao

(Dân sinh) - Xác định trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân là góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ được giao. Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất ngay từ cơ sở.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Với mục tiêu năm 2019, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lao động, NCC và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh; thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; huy động đa dạng các nguồn lực để chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao  - Ảnh 1.

Gặp mặt người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - lLệt sĩ

Đặc biệt tạo việc làm trong nước 58.000 người, xuất khẩu lao động 10.000 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống 3,2% và thiếu việc làm nông thôn còn 6,2%; chuyển dịch cơ cấu lao động theo tỷ lệ: Nông - lâm - ngư nghiệp: 37,5%; công nghiệp - xây dựng: 33,5% và dịch vụ: 29%. 100% các huyện, thị xã, thành phố có hòa giải viên lao động; 100% doanh nghiệp đang hoạt động trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI đang hoạt động tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động; 100% các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện trả lương cho người lao động đúng quy định về mức lương tối thiểu vùng và các quy định pháp luật về lương; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt từ 23 - 27%. 

Tuyển mới đào tạo nghề cho 81.540 lao động, trong đó cao đẳng là 3.500 người, trình độ trung cấp là 7.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 71.040 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67%, trong đó 26% có văn bằng, chứng chỉ. 

 Thực hiện đảm bảo chế độ chính sách cho 100% hồ sơ người có công đang quản lý, trong đó có khoảng 78.000 người hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng; nâng tỷ lệ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú lên 99%; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công. 

Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung 2,5% hộ nghèo so với tỷ lệ hộ nghèo sau điều tra, rà soát năm 2018; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 86,5% người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 4,5%, phấn đấu nâng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp lên 90% và 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực được can thiệp, trợ giúp kịp thời, nâng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em lên 90%; vận động nguồn vốn cho Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt từ 2 tỷ đồng trở lên…

Thực hiện hiệu quả nhiều chỉ tiêu được giao

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm mới cho 47.250 lao động (đạt 69,5% kế hoạch năm và bằng 144,9% so với cùng kỳ năm 2018); số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 4.775 người (đạt 47,8% kế hoạch năm và bằng 103,8% so với cùng kỳ năm 2018). Công tác giải quyết việc làm trên địa bàn đạt được kết quả tích cực với số lượng lao động được tạo việc làm mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 là do nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc tăng cao. 

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao  - Ảnh 3.

Lễ tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm

 Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động, nổi bật là: Tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm, thu hút 320 lượt đơn vị tham gia tuyển dụng; số người được tư vấn việc làm và học nghề là trên 1.800 người; số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn là 5.330 người; tổ chức 18 cuộc tư vấn cộng đồng, giới thiệu việc làm cho 1.290 người lao động tại các huyện nghèo khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài về nước; giới thiệu 41 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đơn hàng tốt về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động Thanh Hoá làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Từ đó, góp phần tăng cơ hội tìm kiếm việc làm tại thị trường Hàn Quốc cho lao động trên địa bàn tỉnh…

Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh rà soát nhu cầu hỗ trợ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp báo cáo về Sở LĐ-TB&XH và tích cực triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi sản xuất như: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng làm việc an toàn cho người sử dụng lao động và người lao động; tăng cường kiểm tra, rà soát, phòng ngừa và ngăn chặn những yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động; thành lập, củng cố và kiện toàn hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; ban hành các quy định, quy trình quản lý, sử dụng, các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ tai nạn lao động gây chết người tại nơi sản xuất…

Ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa: Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao  - Ảnh 4.

Người lao động tham gia tìm hiểu cơ hội việc làm

 

Tính đến hết tháng 5/2019, tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh là 9.785 đơn vị (tăng 671 đơn vị so với đầu năm 2019 và tăng 671 đơn vị so với cùng kỳ năm 2018), với 360.375 người tham gia (tăng 14.473 người so với đầu năm 2019 và tăng 39.821 người so với cùng kỳ năm 2018), trong đó: Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 339.407 người (tăng 9.671 người so với đầu năm 2019 và tăng 26.117 người so với cùng kỳ năm 2018); số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 20.968 người (tăng 4.802 người so với đầu năm 2019 và tăng 13.704 người so với cùng kỳ năm 2018); đạt 22,7% trên tổng lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh (tăng 0,85% so với đầu năm 2019 và tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2018) và có 296.812 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 10.788 người so với đầu năm 2019 và tăng 26.030 người so với cùng kỳ năm 2018). số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.872/5.836 doanh nghiệp (giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2018), với số tiền nợ là 370 tỷ đồng (tăng 13,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là do các doanh nghiệp nợ mới phát sinh dưới 1 tháng và từ 1 đến dưới 3 tháng).

Trong lĩnh vực người có công, đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách mới đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với Cơ quan Bưu điện triển khai thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách của gần 77.000 đối tượng người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện là hơn 135 tỷ đồng/tháng. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tri ân người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh số lượng người có công với cách mạng được tặng quà nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Phối hợp với Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tỉnh Thanh Hoá và chính quyền tỉnh Hủa Phăn (Lào) tổ chức lễ tiếp nhận 18 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước và tiếp nhận 6 mộ liệt sĩ do Đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập trong nước bàn giao về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên gần 230 đối tượng là thương binh nặng, nạn nhân chất độc da cam và tổ chức điều dưỡng cho 20.765 người có công…

Ở một số lĩnh vực khác cũng được ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự chủ động, tích cực của cơ quan LĐ-TB&XH các cấp. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách xã hội, người có công, người nghèo, người lao động nhân dịp tết Nguyên đán được thực hiện kịp thời với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; số đối tượng và kinh phí thực hiện đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ gây mất an toàn lao động tại nơi sản xuất được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn tỉnh không xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người tại nơi sản xuất. Bên cạnh đó, việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội của các địa phương cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch năm 2019, đặc biệt là chỉ tiêu giải quyết việc làm như: Huyện Hà Trung (đạt 103,2% kế hoạch), Nga Sơn (đạt 104,8% kế hoạch), Thiệu Hoá (109,3% kế hoạch), Hậu Lộc (đạt 115,0% kế hoạch), Quan Sơn (đạt 151,8% kế hoạch).

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao phó. Góp phần làm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.