Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghệ An: Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,54%

Theo kết quả rà soát, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Nghệ An ở mức 5,54 %. Hộ nghèo tập trung nhiều ở các vùng: Miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giáo dân, ven biển.

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 132.081 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng/năm; Quản lý và chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho 72.711 đối tượng người có công, với số tiền gần 126 tỷ đồng/tháng.

Nghệ An: Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,54% - Ảnh 1.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế được triển khai tại Nghệ An mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ dân thoát nghèo.

Tỉnh hiện có 1.026 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, chiếm tỷ lệ 1,98% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, trong đó: hộ nghèo có thành viên hưởng trợ cấp thường xuyên là 262 hộ, chiếm tỷ lệ 25,54%; trợ cấp 1 lần là 764 hộ, chiếm tỷ lệ 74,5 %.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và các chính sách người có công. Theo đó, gia đình có công với cách mạng luôn được ưu tiên hưởng lợi từ các chương trình, dự án để thoát nghèo bền vững, nhất là trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo điều kiện để phát triển sản xuất.

Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh Nghệ An ban hành cơ chế, chính sách của địa phương như: Quyết định 56/QĐ-UBND để hỗ trợ giảm nghèo đối với 44 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện 30a; phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây của tỉnh. Ban hành đề án giảm nghèo và nâng cao Chỉ đạo thực hiện lồng ghép Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững với các Chương trình 135; chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng; hàng năm tổ chức chương trình ủng hộ Tết vì người nghèo... nhằm tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được tỉnh quan tâm và thực hiện kịp thời. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được xã hội hóa sâu rộng. Hàng năm các cấp từ tỉnh đến địa phương tập trung vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Bình quân mỗi năm huy động được từ 16 - 17 tỷ đồng. Đã tặng 1.500 sổ tiết kiệm cho người có công, hỗ trợ xây dựng mới 115 nhà, sữa chữa 125 nhà cho các đối tượng người có công, hỗ trợ cho vay vốn, bảo hiểm y tế,... từ các nguồn Quỹ vận động theo đúng quy định, qua đó đã kịp thời hỗ trợ giúp hộ nghèo, nhất là hộ nghèo thuộc đối tượng người có công có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Nhờ vậy, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2018 đã đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 12,10% đầu năm 2016 xuống còn 5,54%, tương đương với 51.949 hộ nghèo vào cuối năm 2018; hộ cận nghèo còn 8,72% với 61.669 hộ, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo và người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có một số khó khăn, hạn chế. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn còn ở mức cao (5,54%) hơn bình quân cả nước (5,35%), việc thoát nghèo chưa thật sự vững chắc. Số hộ gia đình nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công của tỉnh còn cao.

Đa số các đối tượng hộ nghèo thuộc diện người có công là những người cao tuổi, sức khỏe yếu, không có khả năng lao động, không có việc làm ổn định, chi phí sinh hoạt phụ thuộc vào tiền trợ cấp người có công.

Nguồn lực thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế cả về kinh phí thực hiện cũng như nguồn lực con người.