Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nghiệm thu đề tài chẩn đoán tác nhân gây bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2

Ngày 11/6, tại Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: "Chế tạo, thẩm định chứng dương nhân tạo và đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2".

Theo tờ Tin tức của TTXVN, Đề tài mang tính cấp bách, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với dịch COVID-19 và chưa tìm ra phương thức điều trị hữu hiệu.

Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Quốc Cường (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài) cho biết: Công trình được thực hiện gấp rút trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2020, trên 60 mẫu bệnh phẩm được lưu trữ tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của công trình nhằm: Nghiên cứu chứng dương chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo trong nghiên cứu theo chuẩn quốc tế; chế tạo đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2; thẩm định, đánh giá đoạn mồi chẩn đoán tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2.

Đây là công trình nghiên cứu và chế tạo thành công thành phẩm chẩn đoán tác nhân gây bệnh hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 đầu tiên của Việt Nam. Ưu điểm vượt trội là thành phẩm có giá thành được so sánh chỉ bằng 2/3 giá nhập khẩu hiện nay, điều kiện bảo hành không cần môi trường phòng lạnh mà chỉ cần nhiệt độ bình thường (35 - 37°C). Bên cạnh ý nghĩa về giảm chi phí, việc Việt Nam sản xuất được chứng dương nhân tạo còn giúp tự chủ được nguồn cung và giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả cho bệnh nhân.

Nghiệm thu đề tài chẩn đoán tác nhân gây bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2  - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu giới thiệu về quy trình xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng sinh phẩm từ đề tài nghiên cứu. Ảnh: NN

Trong chế tạo chứng dương nhân tạo, nhóm nghiên cứu tiến hành qua 2 giai đoạn: xác định trình tự cần tổng hợp, tạo các đoạn DNA tái tổ hợp. Tiếp đó, quy trình thẩm định, đánh giá chứng dương nhân tạo được thực hiện qua 4 bước: Lập danh sách các chuỗi SARS-CoV-2 được công bố, giải trình tự chứng dương, phân tích sự tương đồng giữa các chứng dương trong nghiên cứu với các chuỗi SARS-CoV-2 được công bố, đánh giá độ chính xác các nồng độ của chứng dương.

Kết quả, chứng dương nhân tạo đạt được sự tương đồng tuyệt đối với trình tự gien E trên ngân hàng gien, không có phản ứng chéo xảy ra giữa chứng dương và các trình tự được khuyến cáo.

Liên quan đến đề tài chẩn đoán tác nhân gây bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho hay, các sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 do nhóm tác giả là PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM và TS.BS Hoàng Quốc Cường – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thực hiện. Đề tài được nghiên cứu trong ba tháng, từ tháng 3 đến tháng  6-2020.

Tính đến thời điểm hiện nay, đây là nghiên cứu đầu tiên về chế tạo mồi, đoạn dò cho xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam.

TS.BS Hoàng Quốc Cường cho biết, kết quả nghiên cứu là quy trình sản xuất chứng dương nhân tạo đạt tiêu chuẩn về sự tương đồng tuyệt đối với trình tự gen E trên ngân hàng gen, không có phản ứng chéo.