Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngôi nhà “xanh” nghĩa tình ở vùng đất Thành Nam

Được hợp nhất từ Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh và Trung tâm Điều dưỡng người có công Nam Phong, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Nam Định có chức năng tổ chức, tiếp nhận, quản lý chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật, không có khả năng tự sinh hoạt. Trong những năm qua bên cạnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng, Trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường.

Hiện Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Nam Định có 2 cơ sở: Cơ sở 1, ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) có tổng diện tích 27.636m2, trong đó trên 3.140m2 diện tích xây dựng các khu nhà: hành chính, công vụ, 17 phòng điều dưỡng với 35 giường, nhà ăn, hội trường, nhà đa năng… xen kẽ là khuôn viên nhiều cây xanh, nằm trên địa bàn cách bờ biển khoảng 1km nên không khí ở trung tâm luôn trong lành, thoáng mát phù hợp với công tác điều dưỡng sức khoẻ. Cơ sở 2 nằm trên địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định) có tổng diện tích 49 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là gần 5.500m2.

Ngôi nhà “xanh” nghĩa tình ở vùng đất Thành Nam - Ảnh 1.

Một góc của Trung tâm.

Trong năm 2020, Trung tâm phối hợp với Phòng Người có công và các Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố tổ chức điều dưỡng tập trung đảm bảo an toàn cho 10 đoàn người có công với 401 đối tượng; tổ chức đưa đón đảm bảo an toàn cho 8 đợt người có công với 855 đối tượng đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc sức khoẻ Bưu điện Đồ Sơn (Hải Phòng). Để nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng tập trung, Trung tâm quán triệt đội ngũ cán bộ, nhân viên có trách nhiệm phục vụ tận tình, chu đáo, chăm lo cho từng đối tượng điều dưỡng. Bếp ăn được kiểm tra giám sát thường xuyên, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ y tế nhiệt tình, thăm khám và tận tình tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; hỗ trợ luyện tập và phục hồi chức năng cho các đối tượng điều dưỡng.

Ngôi nhà “xanh” nghĩa tình ở vùng đất Thành Nam - Ảnh 2.

Khuôn viên Trung tâm luôn sạch đẹp.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm hàng năm, Ban Giám đốc Trung tâm đã triển khai và giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn và Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM Trung tâm căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị tham mưu, tổ chức tuyên truyền và tiến hành các hoạt động cụ thể, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực, mang lại cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành trong Trung tâm. Trong khuôn viên Trung tâm được trồng nhiều cây xanh tạo không khí trong lành cho các đối tượng về nghỉ dưỡng. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, sạch sẽ và ngăn nắp. Trung tâm định kỳ làm vệ sinh phòng ở, khuôn viên; chú trọng trồng và chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, tổ chức ra quân kiểm tra, tu sửa các công trình cấp nước, hệ thống thoát nước, có kế hoạch xử lý, khắc phục kịp thời các công trình hư hại; Tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ 6 hàng tuần với các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, khơi thông cống rãnh, phun hóa chất diệt muỗi, loăng quang, bọ gậy, vệ sinh ao hồ …

Ngôi nhà “xanh” nghĩa tình ở vùng đất Thành Nam - Ảnh 3.

Người có công tập vật lý trị liệu (ảnh chụp trướng tháng 4/2020).

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bố trí mặt bằng hạ tầng cơ sở bảo đảm không gây ra các tác động, ảnh hưởng từ khu vực phát sinh chất thải đến các khu vực khác; quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Đối với các chất thải y tế, nước thải, Trung tâm cũng xây dựng phương án thu gom, xử lý hợp lý trước khi thải ra môi trường.

Việc không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, điều dưỡng cùng với đầu tư cơ sở vật chất được ngày càng khang trang, sạch đẹp đã góp phần tích cực vào việc chăm sóc, điều dưỡng tốt hơn các đối tượng người có công với cách mạng tô thắm thêm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.