Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người dân kéo về Mũi Cà Mau để xem Cột cờ Hà Nội

(Dân sinh) - Ngay sau khi khánh thành công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, lượng du khách kéo nhau về đây để tham quan, chụp hình ngày một đông.

Cột cờ Mũi Cà Mau cao 41m, được xây dựng theo nguyên mẫu cột cờ Hà Nội, tổng vố đầu tư hơn 140 tỉ đồng. Cột cờ này do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội trao tặng cho Cà Mau.

Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý thể hiện tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau và của cả nước với Cà Mau. Cột cờ Hà Nội tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn, gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Người dân kéo về Mũi Cà Mau để xem Cột cờ Hà Nội - Ảnh 1.

Người dân chiêm ngưỡng những bức tranh trưng bày bên trong Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Bên trong biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được trưng bày với 2 chủ đề chính: Đất Mũi - Cà Mau quá trình hình thành và phát triển di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội.

Trong đó, tầng 1, tầng 2 trưng bày quá trình hình thành diễn thế tự nhiên của vùng Đất Mũi, với hơn 180 hình ảnh các loại và 2 mô hình về hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng ngập lợ Cà Mau. Tầng 3 trưng bày chủ đề di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa cốt lõi mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, với 16 di tích quốc gia đặc biệt, 12 hiện vật. Nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Người dân kéo về Mũi Cà Mau để xem Cột cờ Hà Nội - Ảnh 2.

Cột cờ khi nhìn từ ngoài biển vào.

Sau khi khánh thành công trình này (tối ngày 10/12) đến nay người dân ở các tỉnh miền Tây về với Đất Mũi ngày càng đông để được tận mắt xem Cột cờ Hà Nội, cùng chụp hình và tham quan du lịch quanh Mũi Cà Mau.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân sinh, trong sáng ngày 15/12 đã có hàng trăm người kéo về đây chen chúc nhau để chụp hình, thưởng lãm các bức ảnh trưng bày mang đậm nét văn hóa, quá trình hình thành và phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội…và leo lên đỉnh của Cột Cờ. Đặc biệt trong số những người dân đến đây có rất nhiều cựu binh, họ đến đây vừa để được tận mắt xem Cột Cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau vừa ngồi nhớ lại ký ức hào hùng một thời cùng đồng đội chiến đấu giành độc lập chủ quyền.

Người dân kéo về Mũi Cà Mau để xem Cột cờ Hà Nội - Ảnh 3.

Lối đi dẫn lên kỳ đài.

Chia sẻ với phóng viên báo Dân sinh, ông Nguyễn Văn Hà (một cựu binh) cho biết: Người dân miền Tây chúng tôi không phải ai cũng được đến Hà Nội để chiêm ngưỡng cột cờ nên khi có cột cờ đặt ở đây chúng tôi rất vui mừng. Cột cờ đặt tại Mũi Cà Mau giúp người dân chúng tôi được chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi linh thiêng vừa là biểu tượng văn hóa, vừa có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, sự hiện diện của Cột cờ Hà Nội trên Đất Mũi sẽ như "sợi chỉ đỏ" kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung, với nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt nói riêng.

Từ trên kỳ đài, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra rừng đước xanh tươi, cột mốc tọa độ Quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh

Được biết, bên cạnh trao tặng Cột cờ Hà Nội, TP. Hà Nội đã trao tặng tỉnh Cà Mau 3 tỷ đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội.