Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng, các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng

(Dân sinh) - Chiều nay 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (03/12), với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai... Báo Dân sinh xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu tại buổi Lễ của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam.

Người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (3/12), là dịp để chúng ta đồng hành cùng người khuyết tật, chung bước với người khuyết tật với tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ.

- Kính thưa: Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương;

- Bà Caitlin Wiesen, Đại diện cho các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam;

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Trước hết, thay mặt Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu đã tới tham dự "Lễ kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (03/12)" ngày hôm nay.

Thưa quý vị đại biểu!

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Ngay từ khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, quyền của người khuyết tật đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp 2013).

Luật Người khuyết tật và các Luật chuyên ngành như: Luật Xây dựng, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp,... Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật.

Tháng 3/2019, phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm; phù hợp Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.

Gần đây nhất ngày 1/11/2019, Ban Bí Thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy...); 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng.

Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng ở các tỉnh, thành phố như: Hội người mù, Hội người điếc, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật,...

Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Việc Việt Nam phê chuẩn công ước ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật, tiếp tục thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật để không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động.

Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội.

Tham dự Lễ kỷ niệm ngày hôm nay, có rất nhiều đại biểu là những tấm gương không cam chịu hoàn cảnh của người khuyết tật, vượt qua những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp.

Thưa quý vị đại biểu!

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật Việt Nam đã không cam chịu, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Chúng ta rất xúc động và cảm phục các tấm gương như bạn Nguyễn Thảo Vân đã bị khuyết tật nặng không đi lại được, bạn Nguyễn Thị Lan Anh mắc bệnh xương thủy tinh, bạn Đào Thu Hương, bạn Đỗ Thị Huyền Trang bị khiếm thị từ nhỏ, và hàng triệu người khuyết tật trên cả nước bằng nghị lực phi thường đã miệt mài chinh phục hành trình tri thức theo cách riêng của mình để trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn...

Tình yêu đối với cuộc đời, cuộc sống này của các bạn chính là niềm cổ vũ, động viên đầy ý nghĩa đối với hàng triệu người khuyết tật, là động lực để nhiều người còn đang mặc cảm tự ti vì hoàn cảnh khuyết tật sẽ can đảm hơn, mạnh dạn hơn bước ra khỏi sự bi quan, hòa nhập với cộng đồng.

Thưa quý vị đại biểu,

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về người khuyết tật, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hôm nay, kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật, là dịp để chúng ta đồng hành cùng người khuyết tật, chung bước với người khuyết tật với tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của cộng đồng nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Việt Nam được thực hiện một cách hữu hiệu nhất.

Một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn các tổ chức trong nước và quốc tế đã phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là xin cảm ơn các tổ chức của Liên hợp quốc, UNDP và UNICEF đã hỗ trợ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức thành công Lễ kỷ niệm này và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức để đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa trong lĩnh vực chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.

Xin cảm ơn!