Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người lao động và doanh nghiệp nói gì về giờ làm và nghỉ hưu

(Dân sinh) - Xoay quanh vấn đề Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới đây của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nhiều doanh nghiệp và người lao động ở phía Nam đa số đều có ý kiến ủng hộ quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là giữ nguyên giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm để nâng cao thu nhập cho người lao động.

Người lao động trẻ đều muốn tăng ca, tăng thu nhập

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: những ngành nghề dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử…sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này.

Chị Trương Thị Quỳnh Trang (sinh năm 2000), người lao động tại Công ty TNHH MTV Xuân Minh Phúc cho biết, làm việc ở đây lương cơ bản của tôi trung bình là 4,6 triệu, tính cả tăng ca nữa thì tổng thu nhập một tháng cũng được gần 10 triệu đồng, nếu không có tăng ca thì với lương không thể đủ để trang trải cho cuộc sống.

Người lao động và danh nghiệp nói gì về giờ làm và nghỉ hưu - Ảnh 1.

Người lao động trẻ sẵn sàng làm việc để có thêm tiền tích góp để sau này có gia đình, sức khỏe không còn như hiện nay thì cũng đã có được cuộc sống ổn định an nhàn.

"Với người lao động như chúng tôi còn trẻ, chưa vướng bận gia đình… chúng tôi sẵn sàng làm việc để có thêm tiền tích góp để sau này có gia đình, sức khỏe không còn như hiện nay thì cũng đã có được cuộc sống ổn định an nhàn. Nhưng tôi đề xuất, đối với việc làm thêm giờ cũng cần ghi rõ cụ thể về số giờ làm thêm cũng như những quy định về chi trả tiền làm thêm cho những người lao động như tôi, như vậy thì vừa đạt được sự đồng thuận của người lao động, vừa đảm bảo được sức khỏe cũng như đời sống của người lao động.", chị Trang cho biết thêm.

Cũng có quan điểm tương tự như chị Trang, chị Phạm Thị Ngọc Hương (sinh năm 1978) người lao động tại Công ty may mặc Sheen's ViNa chia sẻ: "Tại Công ty tôi đang làm việc lương cơ bản từ 4,2 đến 5 triệu đồng. Đối với những người làm công nhân như chúng tôi nếu không có giờ tăng ca thì với số tiền lương ít ỏi đó gia đình không đủ để trang trải sinh hoạt hàng ngày chứ đừng nói lo cho các con ăn học và xây nhà. Suốt hơn 10 năm làm công nhân nhưng đến nay chúng tôi vẫn phải ở nhà thuê. Để những người lao động như chúng tôi có cuộc sống ổn định, tôi mong muốn các cấp Bộ, ngành cùng doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho công nhân để có thêm thu nhập.

Nếu được đề xuất, tôi mong muốn Bộ LĐ-TB&XH cũng như các cấp Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp có thể trao đổi, bàn bạc để nâng mức lương cơ bản của người lao động lên một mức nữa, như vậy vừa phù hợp lại vừa thúc đẩy tinh thần cầu tiến trong công việc của người lao động".

"Theo như tôi thấy thì quy định làm việc 48 giờ/tuần hiện nay khá là ổn, tại sao phải thay đổi? Với khung làm việc 48 giờ mỗi tuần người lao động vừa có nhiều thời gian cống hiến cho công việc, tạo ra năng suất và thành quả lao động, vừa có được một khoảng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình khá hợp lý. Bản thân là một người lao động, tôi đề xuất nên giữ nguyên chế độ làm việc 48 giờ/tuần như hiện nay", anh Nguyễn Văn Bắc (sinh năm 1996), người lao động tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.

Doanh nghiệp luôn tạo điều kiện để người lao động trẻ phát huy năng lực

Chị Trần Thị Hiền đại diện cho các doanh nghiệp trong KCN Tây Bắc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: "Tôi tán thành với việc tăng giờ làm thêm của người lao động bởi vì đa số họ đều có mong muốn được tăng ca để có thêm tiền thu nhập trang trải cho cuộc sống. Thậm chí có nhiều người đã nghỉ việc qua công ty khác chỉ vì lý do nơi làm việc cũ không tăng ca hoặc tăng ca ít nên thu nhập thấp.

Mặt khác hiện nay dân số Việt Nam chúng ta đang có nguồn lao động trẻ, đa số người lao động trẻ họ rất muốn có cuộc sống khá giả trước khi về già nên thường xuyên tranh thủ còn sức khỏe để tăng cường lao động sau này quá tuổi lao động có cuộc sống ổn định không phải thiếu thốn khó khăn. Chính vì điều này chúng ta nên tạo điều kiện cho người lao động trẻ phát huy hết năng lực của họ. Vì vậy chúng tôi mong Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định sao cho hài hòa nhất giữa doanh nghiệp và người lao động".

Người lao động và danh nghiệp nói gì về giờ làm và nghỉ hưu - Ảnh 2.

Doanh nghiệp luôn tạo điều kiện cho người lao động trẻ phát huy hết năng lực của họ.

Theo ông Nguyễn Việt An, đại diện Công ty cơ khí trong Khu công nghiệp Tân Thuận: "Việc tăng giờ làm thêm lên thêm 100 giờ/năm có thể làm tăng thu nhập cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp cũng sẽ được lợi từ việc tăng giờ làm vì khi đó số lượng hàng hóa ngày càng nhiều đối với các doanh nghiệp sản xuất, khối lượng công việc được giải quyết sẽ tăng thêm đối với các doanh nghiệp thông thường. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay, các doanh nghiệp đang chuyển dần sang đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc, khi đó sức lao động của người lao động phải bỏ ra không quá nhiều, họ có thể điều khiển máy móc mà không cần trực tiếp thực hiện công việc thì vấn đề tăng giờ làm thêm không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe của họ.".

"Tiền lương và thưởng là một thành tố quan trọng và liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế - xã hội nên việc quy định mức lương phù hợp cùng với chế độ xét thưởng tốt sẽ góp phần tăng năng suất lao động, tạo động lực cho người lao động hăng say làm việc, thúc đẩy phát triển nên kinh tế. Thu nhập tăng cao dẫn đến nhu cầu chi tiêu của người lao động cũng sẽ tăng, sẽ kéo theo các hoạt động khác của nền kinh tế phát triển.", ông An chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình rõ ràng

Không những đồng thuận về tăng giờ làm thêm, giữ nguyên giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần mà những người lao động và doanh nghiệp đều nhất trí với vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH theo phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

"Tôi hoàn toàn đồng thuận với phương án 1 về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu vì hiện nay tuổi thọ của người dân được nâng lên, nhiều người lao động trí thức đến tuổi nghỉ hưu nhưng họ vẫn khỏe mạnh, muốn cống hiến thì chúng ta nên ủng hộ để họ tiếp tục cống hiến, nhưng bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người lao động lớn tuổi và xây dựng phong trào thi đua cho người cao tuổi nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, tinh thần, công ích cho xã hội", ông Nguyễn Việt An, đại diện Công ty cơ khí trong Khu công nghiệp Tân Thuận nêu quan điểm.