Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người Mông làm du lịch

Tà Xùa, Hồng Ngài, Háng Đồng, Hang Chú là những địa danh nổi tiếng ở huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La) từng xuất hiện trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của cố nhà văn Tô Hoài. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, các xã vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) đang có những bước chuyển mình mới.

Đổi mới trên quê hương vợ chồng A Phủ

Từ năm 2015, cùng với trào lưu du lịch, khám phá, trải nghiệm trên cả nước, Tà Xùa nổi lên như một điểm đến mới lạ, được yêu thích với danh xưng "Thiên đường mây số 1 Việt Nam" và các điểm check-in nổi tiếng như: Sống lưng khủng long Tà Xùa, cây táo mèo cô đơn... Có lợi thế nằm ở trung tâm các xã vùng cao huyện Bắc Yên, Tà Xùa có địa hình rừng núi đa dạng với độ cao khoảng 1.500 - 1.700m so với mặt nước biển, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ. Nhờ thế, thời gian gần đây ngày càng đông khách du lịch trên cả nước tìm đến tham quan và trải nghiệm cảnh đẹp tự nhiên và con người ở xã Tà Xùa, mang đến cơ hội để phát triển kinh tế, quảng bá, giới thiệu về văn hóa và con người Bắc Yên với du khách trong và ngoài nước.

Người Mông làm du lịch - Ảnh 1.

Tà Xùa là điểm đến được nhiều du khách yêu thích

A Dê (24 tuổi) quản lý homestay tại trung tâm xã Tà Xùa cho biết: Khách du lịch đến Tà Xùa không chỉ khách trong nước, mà có nhiều khách quốc tế. Chính vì vậy, không thể làm theo phương thức truyền thống, mà phải tiếp cận với internet và các phương tiện thông tin hiện đại và đặc biệt là ngoại ngữ mới đáp ứng yêu cầu của du khách.

Không chỉ thanh niên trẻ như A Dê, mà nhiều đồng bào dân tộc Mông đã ý thức được vai trò của du lịch đối với việc phát triển đời sống kinh tế của gia đình. 3 năm trở lại đây vợ chồng Lý A Tu đã không làm nương rẫy, thay vào đó là mở cửa hàng may đồ thổ cẩm để phục vụ khách du lịch. Lý A Tu chia sẻ: "Nhận thấy khách du lịch lên Tà Xùa thường muốn mượn, thuê váy áo của người Mông để đi ngắm cảnh và chụp ảnh nên vợ chồng mình đã mày mò học hỏi để làm. Trước giờ người Mông không quen với việc buôn bán, nên khi bắt đầu làm vợ chồng mình còn bỡ ngỡ, nhưng sau cũng quen dần. Từ ngày có du lịch, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, thu nhập gấp nhiều lần so với việc đi rừng làm nương rẫy".

Các nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào người H'mông hấp dẫn du khách

Xã Tà Xùa có diện tích tự nhiên 4.138,61 ha, với 460 hộ, 2.983 nhân khẩu, thành phần dân tộc chủ yếu là Mông với nền văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc gắn liền với văn hóa chợ phiên vùng cao, văn hóa lễ hội truyền thống như lễ cúng dòng họ, cơm mới, tết cổ truyền dân tộc Mông... thường được tổ chức kèm theo các hoạt động văn hóa nghệ thuật hay trò chơi dân gian như bắn cung, bắn nỏ, đua ngựa, hát giao duyên, ném pao, thổi sáo, thổi khèn, đàn môi, múa khèn…

Chính những nét độc đáo trong văn hóa và con người nơi đây đang góp phần tạo ra sức hút đối với du khách. Bạn Nguyễn Thị Ngọc (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: "Trước đây em chỉ biết đến Tà Xùa như một điểm đến săn mây với khí hậu mát mẻ, cảnh sắc hùng vĩ. Nhưng khi đặt chân đến mảnh đất này em thực sự ấn tượng với nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông như thêu thùa, tạo hình, hoa văn rực rỡ trên vải thổ cẩm và trang phục váy áo của phụ nữ được làm thủ công".

Người Mông làm du lịch - Ảnh 4.

Nhiều ngôi nhà sàn làm du lịch Homestay mọc lên tại Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành dịch vụ ngày càng có những bước phát triển mới, hệ thống các cơ sở lưu trú không ngừng được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa và nâng cao chất lượng. Đến nay, xã có 8 cơ sở lưu trú du lịch quy mô từ 10 - 36 phòng nghỉ, với các loại hình du lịch: khám phá, văn hóa, cộng đồng.

Theo số liệu của UBND xã Tà Xùa, năm 2016 xã đã tiếp nhận khoảng 18.000 lượt khách du lịch. Năm 2017 được quy hoạch đề án phát triển du lịch tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái xã Tà Xùa. Ông Mùa A Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa cho biết: Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, từng bước hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2020 xã sẽ đón khoảng 40.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng từ 1000 - 1.500 lượt người; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 35 - 40%".

Bài toán phát triển bền vững

Mặc dù Tà Xùa có những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, theo ông Mùa A Khư, đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Tùa Xùa nhận thức được những khó khăn trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Do địa hình đồi núi phức tạp, nên chất lượng đường giao thông tương đối thấp, nhất là mùa mưa, sạt lở gây tắc đường, giao thông tê liệt khiến xã Tà Xùa và các xã vùng cao khác gần như bị cô lập. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch ở Tà Xùa.

Cảnh sắc hùng vĩ nơi núi rừng Tà Xùa. Ảnh: Mạnh Luân

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch ở Tà Xùa còn ít, chưa thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Tà Xùa có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, độc đáo, song đến nay vẫn chưa khai thác được thành sản phẩm du lịch. Do vậy, hoạt động du lịch chủ yếu ở Tà Xùa chỉ là thưởng ngoạn và chụp ảnh phong cảnh tự nhiên, các hình thức du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng chưa có nhiều, các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản địa phương chưa tiếp cận được với khách du lịch.

Người Mông làm du lịch - Ảnh 6.

Ảnh: Mạnh Luân

Mặt khác, trình độ dân trí ở xã Tà Xùa tương đối thấp, số lao động được đào tạo chưa nhiều, lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch lại càng hiếm, kể cả những hộ tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch hay cán bộ quản lý văn hóa xã cũng chưa đủ chuyên môn dẫn đến công tác quản lý du lịch, bảo tồn và phục hồi giá trị văn hóa còn nhiều lúng túng.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương theo ông Mùa A Khư, đảng bộ, chính quyền xã Tà Xùa cần có những chính sách phát triển bền vững; có chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa bản sắc dân tộc. Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài huyện đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch.

MỚI QUÝ VỊ THEO DÕI CÁC THÔNG TIN TIẾP THEO TẠI ĐÂY