Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người vay trả góp ngân hàng “méo mặt” vì Covid-19

Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu đã khiến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng. Nhiều người lao động đã bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm, dẫn tới khó khăn khi thanh toán các khoản vay tiêu dùng mua nhà, mua xe. Hiện hầu hết ngân hàng thương mại mới có kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu, trong khi khách hàng cá nhân chưa nhận được nhiều sự quan tâm.

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến nhiều người gặp khó khăn với cảnh công việc bị ảnh hưởng và thu nhập giảm sút. Với những ai vay tiền ngân hàng mua nhà trong giai đoạn này thì khó khăn lại càng gấp bội với khoản tiền phải trả nhà băng mỗi tháng.

Người vay ngân hàng trả góp “méo mặt” vì Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Năm 2018, gia đình anh Nguyễn Đình Nam (Hà Đông, Hà Nội) quyết định mua một căn hộ có diện tích 80m2 tại một dự án ở Hà Đông với trị giá 1,8 tỉ đồng. Để mua được căn hộ này, anh Nam đã phải vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ. Mỗi tháng gia đình trả khoản tiền cả gốc và lãi khoảng 15 triệu đồng. "Đúng là người tính không bằng trời tính. 2 tháng nay, vợ chồng gọi điện khắp người thân, bạn bè để vay tiền trả đúng tiến độ của ngân hàng. Sang đến kỳ hạn thanh toán của tháng 4 này thì không biết xoay đâu vì gia đình nào nguồn thu nhập cũng giảm, may lắm co kéo cũng đủ chi tiêu nên không có để cho mình vay", anh Nam thở dài.

Anh Nam cho biết, trước khi quyết định mua căn hộ, vợ chồng anh đã tính toán rất kỹ bài toán tài chính. Theo đó, anh quyết định chọn căn hộ phù hợp khả năng tài chính đề hàng tháng, số tiền trả lãi gốc hàng tháng khoảng 50% thu nhập của vợ chồng. Hai vợ chồng anh Nam đều dạy ở trung tâm tiếng Anh, trước đây thu nhập mỗi tháng khoảng 35 triệu đồng. Vì thế, mỗi tháng trả 15 triệu tiền gốc và lãi ở ngân hàng, số tiền còn lại đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình 4 thành viên.

Từ Tết đến nay, Trung tâm tiếng Anh chưa hoạt động trở lại vì ảnh hưởng của Covid-19, đồng nghĩa với việc thu nhập của hai vợ chồng đều không có. Khoảng tiền tiết kiệm được từ trước co kéo cũng chỉ đủ sinh hoạt gia đình. Anh bảo, mọi kế hoạch đều đảo luộn khiến cuộc sống rơi vào "ngõ cụt" khi hàng tháng không có thu nhập nhưng các khoản chi tiêu vẫn phải dùng đến tiền. Giờ không biết xoay đâu tiền để hàng tháng trả ngân hàng.

Gia đình anh Nam không phải trường hợp đặc biệt mà nhiều người vay tiêu dùng, vay trả góp ngân hàng đang rơi vào tình cảnh "không có tiền để trả đúng hạn". Tháng 10/2019, anh Đặng Thế Minh (Long Biên, Hà Nội) vay ngân hàng 300 triệu tương đương 80% giá trị của xe ô tô để chạy taxi công nghệ. Mỗi tháng, anh Minh trả cả gốc lẫn lãi 8 triệu đồng. "Có bao nhiêu vốn liếng tiết kiệm, tôi dồn hết để mua xe với hy vọng kiếm được thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng mới chạy xe được 3 tháng thì có dịch Covid-19, khách không có. Giờ thì gửi xe vào bãi, mỗi tháng không kiếm đâu ra 1,5 triệu đồng để đóng tiền gửi xe chứ đừng nói có 8 triệu đồng để trả ngân hàng. Vợ tôi làm nhân viên văn phòng, tháng được 4 triệu đồng, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ sinh hoạt phí gia đình. May hai đứa trẻ nghỉ học nên không phải đóng tiền học", anh Minh kể.

Có thể nói, việc ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân trong thời điểm này hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế. Dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng. 

Nếu các ngân hàng vẫn duy trì thời hạn và mức trả nợ như cũ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ phải chấp nhận hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn nếu không muốn rơi vào cảnh nợ xấu. Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, sản xuất lại đình trệ. Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau.

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ những người thực sự có nhu cầu về nhà ở mới bỏ tiền ra mua bất động sản, còn giới đầu tư thì nhiều khả năng sẽ chưa xuống tiền. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh lần này không tạo ra mối nguy hiểm quá lớn cho thị trường bất động sản... Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nhiều người sẽ mua được nhà nhờ giá bán có thể được điều chỉnh giảm.