Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguồn thịt lợn đủ cung cấp cho thị trường trong nước

Dịch tả lợn châu Phi đang dần được đẩy lùi, nhiều hộ chăn nuôi và doanh nghiệp bắt đầu tái đàn trở lại. Bên cạnh đó, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân.

500.000 tấn thịt lợn đông lạnh Nga sắp về đến Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 2/2020, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Canada (chiếm 33,1%), Đức (chiếm 25,4%), Brazil (chiếm 16,1%), Ba Lan (chiếm 15,8%), Hoa Kỳ (chiếm 7,8%)... Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.

Nguồn thịt lợn đủ cung cấp cho thị trường trong nước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bộ NN&PTNT cho biết, lô hàng thịt lợn của Nga dự kiến sẽ về Việt Nam vào tuần sau. Theo đó, sẽ có 500.000 tấn thịt lợn đông lạnh Nga sang Việt Nam trong năm 2020. Đây là thông báo từ Tập đoàn Miratorg, một trong những nhà cung cấp thịt gia súc và gia cầm lớn nhất Liên bang Nga, tại cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT. Thịt lợn từ Nga sẽ được vận chuyển bằng đường sắt, chậm nhất trong 30 ngày là đến Việt Nam nên giá bán rất cạnh tranh. Từ năm 2021, nếu Việt Nam cần, tập đoàn sẽ cung cấp nhiều thịt lợn hơn thay vì chỉ 500.000 tấn/năm. Tập đoàn Miratorg có 93 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chuỗi an toàn khép kín từ giống, thức ăn đến chế biến thịt. Các lò mổ của tập đoàn này có công suất 520 con/h, đạt an toàn sinh học cấp 4, cấp gần cao nhất theo tiêu chuẩn của Nga. Việc thịt lợn an toàn của Nga được nhập về sẽ góp phần bình ổn thị trường thịt lợn Việt Nam đang có dấu hiệu "làm giá" trong tuần qua.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước, theo đó doanh nghiệp từ 19 nước này, khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép, sẽ được xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam. Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lý nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.

Sẽ yêu cầu 17 doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn hơi

Theo Cục Thú y, không nhất thiết phải có ký kết hiệp định thú y giữa hai nước mới được phép xuất nhập khẩu thịt làm thực phẩm với Việt Nam. Việc xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật (thịt) để làm thực phẩm giữa Việt Nam và các nước đầu tiên phải đáp ứng các điều kiện về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu cụ thể của từng đối tác xuất nhập khẩu, không nhất thiết phải ký kết Hiệp định về Thú y giữa hai nước. Cụ thể, điều kiện và quy trình nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ các nước vào Việt Nam phải theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới

Theo Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đến nay, cả nước không còn dịch lợn tai xanh. Dịch lở mồm long móng còn ở 8 tỉnh (Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Yên Bái, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Đồng Tháp) chưa qua 21 ngày. Dịch tả lợn châu Phi phát sinh thêm 24 ổ dịch với 19.472 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy, chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Tính đến hết ngày 2/3/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24 triệu con, bằng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch. Căn cứ định hướng phát triển ngành chăn nuôi của Bộ NN&PTNT dự báo, tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 64 - 67%, tương đương tăng 8,8% so với năm 2019. Tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện nay giá thịt lợn đang cao. Thời gian tới, sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp lớn mang tính chất giá tham chiếu định hướng phải hạ giá xuống hơn nữa. Bởi dư địa để tiếp tục hạ thêm giá lợn xuống còn thực hiện được, trong khi với giá lợn hơi 75 nghìn đồng/kg là đã có lãi cao. Do đó, phải giảm xuống nữa để làm sao bảo vệ được thị trường và cũng phải hài hoà với xã hội của người tiêu dùng.