Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguy cơ khi tiêm chất độn má

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết độn má "baby" còn gọi làm đầy má hóp, là giải pháp giúp khuôn mặt bầu bĩnh như trẻ con mà không phải tăng cân.

"Đây là kỹ thuật can thiệp vào vị trí xương hàm, tạo cho khuôn mặt cân xứng, hài hòa", bác sĩ nói.

Hiện nay có 2 phương pháp độn má phổ biến là ghép mỡ và tiêm filler làm đầy má hóp.

Bác sĩ tiến hành hút mỡ ở những vùng thừa như bụng, đùi để ghép vào những vùng hóp trên khuôn mặt như vùng thái dương, rãnh mũi má, vùng má. Sau khi ghép, chỉ 40-60% mỡ sống sót và bình phục hoàn toàn sau một đến ba tháng, tùy cơ địa.

Tuy nhiên, ghép mỡ để độn má là kỹ thuật phức tạp, nguy hiểm, dễ gặp biến chứng như nhiễm trùng huyết. Nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch máu mỡ, gây liệt mặt, mù mắt, thậm chí tử vong. Do đó, khi thực hiện thủ thuật không nên chọn các phòng mạch, phòng khám, thẩm mỹ viện kém an toàn.

Kỹ thuật tiêm filler làm đầy má hóp rất phổ biến nhưng dễ gây biến chứng. "Sai sót khi tiêm filler có thể gây biến chứng cực nguy hiểm như tắc mạch, từ đó dẫn đến nguy cơ hoại tử, mù mắt, liệt, đột quỵ", bác sĩ nhấn mạnh.

Filler thường sẽ tiêu sau 6 tháng đến 3 năm tùy từng loại. Các loại filler tốt, ít phản ứng với cơ thể thường rất đắt tiến, chỉ phù hợp để tiêm số lượng ít vào những khu vực như mũi, rãnh mũi má, cằm. Tiêm filler không đảm bảo chất lượng rất dễ bị biến chứng như phản ứng vón cục, nổi sần lên mặt da, làm đỏ, lồi lõm da...

Một phương pháp khác là tiêm silicon độn má. Đây là một chất cấm sử dụng trong y tế vì không an toàn. Tiêm silicon có nguy cơ biến chứng cao hơn nhiều so với tiêm filler, thường gặp nhất chính là xơ cứng, vón cục, phản ứng gây đỏ da, loét da, nổi sần...

Nguy cơ khi tiêm chất độn má - Ảnh 2.

Bác sĩ Dung tư vấn cho khách hàng muốn độn má baby, cải thiện hình dáng khuôn mặt. Ảnh: Thùy An

Các trường hợp độn má gặp biến chứng đều là do tiêm filler không đảm bảo chất lượng, cấy mỡ tự thân không đúng kỹ thuật dẫn đến nhiễm trùng huyết, hoại tử.

Để hạn chế rủi ro khi thẩm mỹ, nên đến bệnh viện và thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.