Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguyễn Hữu Linh bị tuyên 18 tháng tù giam vì sao chưa bị bắt giam?

Sáng 6/11, TAND TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Hữu Linh, cựu phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi". Sau khi tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án 18 tháng tù, bị cáo Linh rời tòa bằng ôtô, chưa bị bắt giam sau phiên xử.

Infonet đưa tin, sáng 6/11, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP. Hồ Chí Minh) đã xét xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Linh 18 tháng tù về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".

Kể từ thời điểm vụ án xảy ra đến nay, ông Linh đã nhiều lần được cơ quan chức năng triệu tập để làm việc và xét xử nhưng chưa từng bị bắt giam, do vậy, sáng nay ông Linh cùng luật sư Trần Bá Học mới đến tòa để tiến hành xét xử.

Vì vụ án được xử kín nên toàn bộ diễn biến không có báo chí tham dự. Tuy nhiên, tới phần tuyên án, HĐXX đã công khai trước truyền thông. Sau khi đọc mức án, Chủ tọa cho biết ông Linh có thể "tự nguyện chấp hành thi hành án, nếu không sẽ bị cưỡng chế". Kết thúc phiên tòa, ông Linh lên xe và rời đi chứ không bị bắt giam.

Theo thông tin trên Gia đình và Xã hội, bị cáo Linh sẽ phải chấp hành hình phạt 18 tháng tù giam mà tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó.

Vậy bao giờ bị cáo Linh sẽ phải chấp hành hình phạt tù? Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) thì bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau khi tuyên án thì Tòa án cấp phúc thẩm mới phát hành bản án. Khi đó, bản án cấp phúc thẩm sẽ được tống đạt cho bị cáo, tòa án cấp sơ thẩm và cơ quan thi hành án hình sự.

Nguyễn Hữu Linh bị tuyên 18 tháng tù giam vì sao chưa bị bắt giam? - Ảnh 1.

Sau khi bị tòa phúc thẩm tuyên y án 18 tháng tù thì ông Linh rời tòa bằng ôtô riêng mà không bị bắt giam lập tức.

Sau khi nhận được bản án phúc thẩm thì tòa án cấp sơ thẩm sẽ ra Quyết định thi hành án. Khi có quyết định thi hành án thì cơ quan thi hành án hình sự sẽ tổ chức thi hành và sẽ ban hành lệnh bắt để thi hành án đối với Nguyễn hữu Linh.

Cụ thể, căn cứ khoản 2 và 3 (Điều 364, Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định về Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án: Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.

Mặt khác, căn cứ khoản 4 (Điều 22, Luật Thi hành án Hình sự 2010) quy định: "Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án".

"Điều này có nghĩa là sau khi TAND TP. Hồ Chí Minh gửi bản án phúc thẩm về TAND quận 4, cơ quan này phải ra quyết định thi hành án đối với bị cáo Linh", luật sư Cường khẳng định.