Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nguyên Viện phó Viện Năng lượng: Cần kiểm toán ngành điện

Trước những lùm xùm về giá điện trong thời gian qua, TS.Ngô Đức Lâm, chuyên gia Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, Quốc hội cần đưa Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán ngành điện.

Thông tin được nêu tại tọa đàm "Giá điện sinh hoạt - bao nhiêu bậc thì hợp lý và đảm bảo minh bạch" được tổ chức tại Hà Nội, sáng 28/7.

Tại tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan đến ngành điện đã được các chuyên gia mổ xẻ, đơn cử như: Cách tính giá điện hiện nay thay đổi như thế nào so với trước đây? Tính điện một giá hay nhiều giá sẽ có lợi cho người dân; cần minh bạch thông tin của ngành điện… Các nội dung được bàn thảo với căn cứ là Luật Điện lực 2004; Luật Giá 2012; Luật Điện lực sửa đổi 2012; Quyết định 69/2013/QĐ-TTg; Quyết định 24/2017/QĐ-TTg năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.

Nguyên Viện phó Viện Năng lượng: Cần kiểm toán ngành Điện - Ảnh 1.

TS Ngô Đức Lâm (ảnh Nguyễn Minh).

Nói về việc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhưng không làm rõ được những bản chất của ngành điện trong thời điểm vừa qua, TS.Ngô Đức Lâm cho rằng, những năm trước, khi xảy ra tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao, trên nghị trường Quốc hội nhiều đại biểu đã thực hiện chất vấn Bộ Công Thương, Chính phủ.

Trước Quốc hội, Chính phủ đã trả lời sau 45 ngày tiến hành thanh tra sẽ trả lời cho quốc dân đồng bào nhưng kết quả thanh tra chậm được công bố rộng rãi. Đến năm nay, khi tình trạng này tiếp tục xảy ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải trả lời sau đó là có đoàn thanh tra vào thanh tra, kiểm tra.

"Hai năm qua Bộ Công Thương trả lời là không sai và đã giải quyết hết những kiến nghị của người dân. Chính phủ cũng trả lời cơ bản ngành điện làm đúng, không sai.

Nhưng tôi cho rằng, đoàn thanh tra về quy trình tăng giá, quy trình thu tiền điện thì không sai đâu bởi bản chất vấn đề không phải ở chỗ đó", ông Lâm nói.

Cũng theo lời nguyên Viện phó Viện Năng lượng, vấn đề nằm ở chỗ: "Tiến hành thanh tra, tổng doanh thu theo lợi nhuận và doanh thu thực tế thì sẽ ra vấn đề. Vì vậy, khi thanh tra, kiểm tra thì phải làm rõ nội dung thanh tra, kiểm tra vấn đề gì? Còn nếu kiểm tra các quy trình thì không ra được vấn đề. Tôi cho rằng, Chính phủ có ngành thanh tra đã vào cuộc nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề thì đề nghị Quốc hội đưa Kiểm toán vào cuộc để làm rõ những lùm xùm về tăng giá điện trong thời gian qua".

Trước đó, hồi tháng 5-6/2020, nhiều hộ trên cả nước bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tăng phi mã. Đáng chú ý, nhiều hộ khẳng định, nhu cầu và các thiết bị điện không hề tăng nhưng tiền điện phải nộp tăng gấp đôi, gấp ba… Trước những bức xúc của người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng việc tiêu thụ điện của nhiều hộ tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Đại diện EVN nói với báo chí rằng, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ thời điểm đó là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao. Đó là chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho điện tiêu thụ của các hộ tăng cao nên tiền điện tăng.

Tuy nhiên, giải thích của EVN không nhận được sự đồng thuận của người dân. Trước thực trạng đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện ngày 22/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tập đoàn EVN làm rõ; không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.