Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhân lực chất lượng cao sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các nước

(Dân sinh) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, đó là việc tiếp cận, sử dụng thật hiệu quả bộ dữ liệu của cuộc tổng điều tra để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội dựa trên bằng chứng, bảo đảm phát triển đất nước theo phương châm dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Sáng nay 19/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (gọi tắt Ban chỉ đạo) tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và Tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương dự và chủ trì hội nghị.

Sau 10 năm, số hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần

Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2.

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất với 22,5 triệu người (chiếm 23,4% cả nước). Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người (chiếm 6,1% dân số). Dân số thuộc dân tộc Kinh là 82.085.826 người (chiếm 85,3%).

Trong 53 dân tộc thiểu số có 6 dân tộc có dân dân số trên 1 triệu người là Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng. Trong 10 năm qua giáo dục phổ thông đã có sự cải thiện rõ rệt về việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi.

Ông Lâm cũng cho biết, tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019, đa số các hộ dân cư đều có nhà ở và đang sống trong những ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố. Chỉ còn 1.244 hộ không có nhà để ở, tương đương với 4.108 người.

Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần, từ mức 4,7 phần mười nghìn năm 2009 xuống còn 0,47 phần mười nghìn năm 2019. Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ chiếm một phần nhỏ (6,9%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn gần 8 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (lần lượt là 9,7% và 1,8%).

Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (3 bộ phận: tường, mái, sàn). Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc.

Cũng theo kết quả cuộc Tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25 - 59 tham gia lực lượng lao động; trong đó tỷ trọng dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất ở nhóm tuổi 25 - 29 (14,3%) và giảm nhẹ ở nhóm 30-34 (14,2%).

Dân số ở nhóm tuổi trẻ (từ 15-24 tuổi) và nhóm tuổi già (từ 60 tuổi trở lên) đều chiếm tỷ trọng tham gia lực lượng lao động thấp (dưới 10%).

Nhân lực chất lượng cao sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các nước - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực

Với kết quả điều tra trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế với tỷ lệ lao động đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 23,1%.

Việt Nam có thị trường lao động rộng lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, người lao động làm việc trong các nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 11% lao động có trình độ cao; lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo ông Dũng, đây là thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của đất nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng quyết liệt với các nước trong khu vực và trên thế giới trong quá trình xác định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Để có vị thế tốt, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đổi mới giáo dục đại học; đồng thời, cần có các chính sách gắn kết giữa đào tạo và nhà tuyển dụng; trong đó quản lý nhà nước đóng vai trò trọng tâm trong thực thi chính sách kết nối này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 39,1%, tăng 13,5 điểm phần trăm so với năm 2009; đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) chiếm 23,1%; trong đó khu vực thành thị cao gấp gần 2,5 lần khu vực nông thôn.

Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (31,8%), Đông Nam bộ (27,5%) và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (22,7%); thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (13,6%).

Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam ở mức thấp, 2,05%.

Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực nông thôn thấp hơn gần hai lần so với khu vực thành thị (tương ứng 1,64% và 2,93%). Hầu hết người thất nghiệp có độ tuổi từ 15-54 (chiếm 91,7% người thất nghiệp); trong đó, lao động trẻ từ 15-24 tuổi là những người thất nghiệp nhiều nhất, chiếm gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (44,4%).

Theo Tổng cục Thống kê, dịch cơ cấu ngành kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Tỷ lệ này sớm đạt ngưỡng 70% như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giai đoạn 2009- 2019, tỷ trọng việc làm theo ngành có sự dịch chuyển rất tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản và tăng tỷ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp, Xây dựng và Dịch vụ.

Tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản giảm liên tục trong những năm qua, từ 53,9% năm 2009 xuống còn 46,3% năm 2014 và đạt 35,3% vào năm 2019. Lần đầu tiên, số lao động làm việc trong khu vực Dịch vụ cao hơn số lao động làm việc trong khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vào năm 2019.

Nhóm nghề lao động giản đơn thu hút nhiều nhân lực nhất trong nền kinh tế với tỷ lệ 33,2%. So với 10 năm trước đây, tỷ trọng lao động làm công việc giản đơn đã giảm mạnh (giảm 7,1 điểm phần trăm).

Các nhóm "dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng", "thợ thủ công và các thợ khác có liên quan" và "thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị" cũng là những nhóm nghề thu hút nhiều lực lượng lao động, tương ứng là 18,3%, 14,5% và 13,2% tổng số lao động đang làm việc…

Tận dụng thời kỳ "dân số vàng" để phát triển bứt phá

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã phản ánh đầy đủ, chi tiết về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số, nhà ở và điều kiện sống của nhân dân.

Qua đó cho thấy tính hiệu quả của việc thực thi các chính sách về dân số và phát triển thời gian qua; đồng thời cũng phản ánh những bất cập hạn chế của các cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực và nhóm tượng khác nhau như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, người có trình độ giáo dục thấp,…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, đó là việc tiếp cận, sử dụng thật hiệu quả bộ dữ liệu của cuộc tổng điều tra để phục vụ cho quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội dựa trên bằng chứng, bảo đảm phát triển đất nước theo phương châm dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Tổng cục Thống kê cần tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" để phát triển bứt phá vượt bẫy thu nhập trung bình.

Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp dữ liệu của cuộc tổng điều tra để cung cấp cho các Tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng và Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương.