Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhật Bản viện trợ gần 500.000 USD hỗ trợ chống buôn người tại Điện Biên

(Dân sinh) - Lễ ký kết viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án “Hỗ trợ phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Điện Biên” vừa diễn ra tại Hà Nội. Dự án có số tiền viện trợ là hơn 482.000 đô la Mỹ và do Tổ chức World Vision Japan thực hiện.

Đây là dự án nhận được viện trợ trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại liên kết NGO (tổ chức phi chính phủ) của Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm tài khóa 2019. 

Dự án sẽ tập trung hỗ trợ 2 huyện có tỷ lệ người nghèo đặc biệt cao ở tỉnh Điện Biên là huyện Mường Chà và huyện Tuần Giáo với mong muốn xây dựng được khung hỗ trợ nhằm phòng chống nạn buôn người và bạo lực ở khu vực dự án cũng như hỗ trợ phụ nữ, các bé gái có kiến thức để tự bảo vệ bản thân.

Cụ thể, dự án sẽ tập trung xây mới và tu sửa Trung tâm cộng đồng, nơi phụ nữ tập trung, chia sẻ thông tin…; mở lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em; kỹ năng sống cho các bé gái. 

Bên cạnh đó, dự án cũng mở lớp tập huấn kỹ năng cơ bản để nâng cao thu nhập cho phụ nữ như chăn nuôi gia súc, trồng rau...; tuyên truyền phòng chống nạn buôn bán người trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. 

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021.

Tại buổi lễ, Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và bà Ikeuchi Chikusa, Giám đốc dự án Tổ chức World Vision Japan đã ký kết hợp đồng viện trợ.

Chia sẻ về dự án, bà Ikeuchi Chigusa - Giám đốc điều hành dự án tổ chức World Vision Japan cho biết, dự án sẽ triển khai tại 2 huyện là Mường Chà và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên - một tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc và tiếp giáp với Lào ở phía tây. 

Đây là 2 huyện có tỉ lệ người nghèo đặc biệt cao trong tỉnh Điện Biên, gồm chủ yếu là người dân tộc thiểu số như người Mông (Mường Chà) và người Thái (Tuần Giáo).

Dự án kỳ vọng xây dựng được khung hỗ trợ nhằm phòng chống nạn buôn người và bạo lực ở khu vực dự án cũng như hỗ trợ phụ nữ và các bé gái có kiến thức để tự nhận thức và bảo vệ bản thân trước bạo lực, nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, dự án còn bố trí các lớp học kỹ năng để nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Theo bà Ikeuchi Chikusa, đối tượng bị hại trong hoạt động mua bán người ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ với nguyên nhân xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Kết quả khảo sát thực tế của Tổ chức World Vision cho thấy, quyền đưa ra ý kiến và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội so với nam giới còn rất thấp. Do đó, dự án gồm 2 nội dung chính là triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và biện pháp khắc phục việc thiếu kiến thức phát sinh từ nghèo đói.