Quay lại Dân trí
Dân Sinh

'Nhiều cầu thủ nữ sáng đi làm công nhân, tối về đá bóng'

Câu chuyện về các cô gái vừa làm công nhân vừa đá bóng ở Thái Nguyên chỉ là một ví dụ nhỏ về đời sống khó khăn của cầu thủ nữ ở Việt Nam.

Thêm một mùa giải nữa đã kết thúc với các cầu thủ bóng đá nữ Thái Nguyên. Tuy chỉ giành được tấm huy chương đồng ở cúp quốc gia nhưng đây lại là tất cả niềm vui của các cô gái có tuổi đời còn rất trẻ.

Một ngày của các cầu thủ bóng đá nữ ở Thái Nguyên bắt đầu bằng việc xách giày ra sân tập từ 5h30 sáng và kết thúc sau buổi tập diễn ra từ 15h30 chiều. Ngày này qua tháng khác, thầy và trò ở trung tâm thể dục thể thao Thái Nguyên vẫn làm việc chăm chỉ để theo đuổi giấc mơ vinh quang nhưng đầy khắc nghiệt này.

'Nhiều cầu thủ nữ sáng đi làm công nhân, tối về đá bóng' - Ảnh 1.

Các cầu thủ nữ Thái Nguyên tươi cười lạc quan dù phải tập luyện trong điều kiện khó khăn.

Vừa đá bóng, vừa làm công nhân

Các cô gái ở đội nữ Thái Nguyên đa số đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, quyết tâm dùng bóng đá để giúp đỡ gia đình. Nhưng với việc đội bóng không tìm được nhà tài trợ thường xuyên khiến các cầu thủ luôn phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.

Thu nhập của các cầu thủ nữ ở Thái Nguyên chủ yếu đền từ nguồn kinh phí địa phương. Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm TDTT tỉnh, cầu thủ nữ ở đây chỉ được hỗ trợ 160.000 đồng/ngày (100.000 đồng tiền ăn, 60.000 đồng tiền công tập luyện không tính thứ 7, chủ nhật). Điều này dẫn tới tình trạng chảy máu lực lượng do địa phương không đủ kinh phí "nuôi" cầu thủ.

"Thái Nguyên không hề thiếu những cầu thủ giỏi nhưng rất khó để các em theo đuổi đam mê với trái bóng tròn vì vấn đề kinh tế. Đi đá bóng, các em chỉ được hỗ trợ 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp quanh đây, các em có thể kiếm được 6-7 triệu. Vì thế không thể tránh được nhiều trường hợp cầu thủ xin đi làm thêm ở ngoài", huấn luyện viên trưởng Đoàn Việt Triều của đội nữ Thái Nguyên chia sẻ.

'Nhiều cầu thủ nữ sáng đi làm công nhân, tối về đá bóng' - Ảnh 2.

Những đôi giày được xếp ngăn nắp tại nơi ở của các cầu thủ nữ Thái Nguyên.

Theo ban huấn luyện đội, thời điểm kết thúc mùa giải là lúc có nhiều nữ cầu thủ xin đi làm thêm ở ngoài nhiều nhất. Có người ngày đi làm, chiều về xách giày ra sân tập. Có người nghỉ một thời gian dài, đến khi sắp thi đấu mới tạm dừng công việc để trở lại tập luyện. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, CLB nữ Thái Nguyên đối diện nguy cơ không thể tham dự giải VĐQG mùa tới.

"Các em, các cháu có năng khiếu đá bóng nhưng đều xuất thân từ những địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Khi tôi đi đến từng nơi để tuyển cầu thủ, đa số phụ huynh các em đều ủng hộ con cái theo nghiệp bóng đá vì gia đình nghèo quá. Thế nhưng trong suốt quãng thời gian không tìm được nhà tài trợ, các em đã phải tập luyện và thi đấu trong thiếu thốn. Bản thân địa phương cũng đã cố gắng hết sức để đảm bảo cuộc sống cho các em".

"Ví dụ như Tết đến, các em các cháu không có quà hay thưởng để mang về quê đâu. Vì thương các em nên tôi tự bỏ tiền ra làm quà để các em về nhà, người 500.000, người 1 triệu", HLV Việt Triều nói.

Vòng tròn luẩn quẩn của bóng đá nữ và nhà tài trợ

Đối lập với bóng đá nam, bóng đá nữ ở các địa phương không nhận được sự quan tâm nhiều từ người hâm mộ. Các sân vận động vắng khán giả khiến các nhà tài trợ không muốn đầu tư, hoặc có tài trợ nhưng chỉ được 1-2 năm rồi sau đó các cầu thủ lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của địa phương.

Một bài toán được đặt ra, bóng đá nữ muốn được quan tâm và đầu tư thì phải có thành tích tốt. Tuy nhiên với những địa phương có nguồn lực và điều kiện tài chính eo hẹp như Thái Nguyên, rất khó để các cầu thủ có thể yên tâm chơi bóng.

"Ở đây cháu nhỏ nhất là 13 tuổi. Bình thường trung tâm nấu cho các cháu ngày 2 bữa cơm, mỗi bữa 35.000 đồng/suất, bữa sáng các cháu tự túc. Không giống như các cầu thủ nam, cầu thủ nữ phải duy trì tập luyện đến 17-18 tuổi mới ra sân thi đấu được. Cho nên dù biết chế độ dinh dưỡng như vậy dành cho các em, các cháu là thiệt thòi so với các đội khác, song đây cũng là những cố gắng của đội", ông Triều chia sẻ.

Thông tin đội bóng sẽ nhận được tài trợ kể từ mùa giải tới, thầy và trò CLB bóng đá nữ Thái Nguyên bày tỏ sự vui mừng và coi đây sẽ là động lực vô cùng lớn để dốc sức cống hiến hết mình cho bóng đá địa phương.

'Nhiều cầu thủ nữ sáng đi làm công nhân, tối về đá bóng' - Ảnh 4.

Nụ cười hồn nhiên, trong sáng của các cầu thủ đội Thái Nguyên.

"Từ khi biết tin đội sẽ được tài trợ, tinh thần tập luyện của các em, các cháu lên cao hơn hẳn. Mọi người có trách nhiệm hơn, hăng say hơn. Nhiều hôm đội dậy từ 4h30 xách giày ra sân tập, đèn bật sáng trưng khắp sân. Nói chung là không chỉ tôi và các thành viên trong BHL, bản thân gia đình cầu thủ cũng rất vui mừng", HLV Đoàn Việt Triều nói.

"Bọn em cũng đã nói chuyện với nhau. Các chị em đều rất vui khi biết đội sẽ có nhà tài trợ trong những năm tới. Đây là động lực giúp các cầu thủ tập trung thi đấu để mang lại thành tích tốt cho bóng đá Thái Nguyên trong tương lai", cầu thủ Trần Thị Thuý Nga chia sẻ.