Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều chính sách hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững tại Bến Tre

(Dân sinh) - Tập trung thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế của người nghèo, người cận nghèo với phương châm hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực là chính, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua các chế độ chính sách, phát triển sinh kế, làm "đòn bẩy" giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, năm 2019, tỉnh Bến Tre đã giúp hơn 5.200 hộ thoát nghèo góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 4,59%.

Người nghèo tiếp cận tốt các chính sách, dự án

Thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tập trung thực hiện, triển khai kịp thời các dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo về vốn vay ưu đãi, các mô hình sinh kế, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; các chính sách trợ giúp của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin thực hiện kịp thời... Qua đó, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sinh kế, cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre, cuối năm 2019, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh còn 18.185 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,59% (giảm 5.284 hộ, 1,49%) và 16.367 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,13% (giảm 1.328 hộ, 0,45%). Các cấp ủy đảng, chính quyền thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước, việc tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo cùng với sự phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo đã đạt một số kết quả khả quan.

Nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp hiệu quả tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững tại Bến Tre - Ảnh 1.

Một số chương trình góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Một số chương trình góp phần thay đổi diện mạo của các vùng đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho UBND các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ cày Nam và Châu Thành triển khai thực hiện 39 công trình (chuyển tiếp 14 công trình , khởi công mới 25 công trình ). Duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 29 xã bãi ngang ven biển với số vốn là 2,028 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã khởi công xây dựng 39 công trình và duy tu bảo dưỡng 32 công trình , tổng kinh phí giải ngân 47,023 tỷ đồng, đạt 90,07% kế hoạch .

Việc xây mới và duy tu, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn trong giao thương, học hành. Từ đó, giá thành sản phẩm tăng lên (giảm được phí vận chuyển từ nơi sản xuất ra đường chính), đời sống vật chất và tinh thần của người dân dần dần được cải thiện, cảnh quang, môi trường thông thoáng góp phần hoàn chỉnh tiêu chí giao thông cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với tổng kinh phí là 9,189 tỷ đồng (bình quân 316 triệu đồng/xã) để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp hiệu quả tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững tại Bến Tre - Ảnh 3.

Đến nay có 60 mô hình được triển khai với 526 hộ tham gia, kinh phí giải ngân 8,97 tỷ đồng, đạt 97,61% kế hoạch.

Trong năm, các xã đã tiến hành khảo sát, chọn hộ lập dự án triển khai hỗ trợ cho người dân trên địa bàn. Đến nay có 60 mô hình được triển khai với 526 hộ tham gia, kinh phí giải ngân 8,97 tỷ đồng, đạt 97,61% kế hoạch. Các hộ tham gia thực hiện các dự án, mô hình đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất từ sản xuất theo kinh nghiệm sang chủ động tìm hiểu, học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xử lý tốt chất thải từ chăn nuôi, sử dụng và cải tạo đất trồng hiệu quả, nâng cao nhận thức thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích; hình thành thói quen tiết kiệm, tích lũy vốn để tái sản xuất.

Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chương trình đã hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với số vốn là 3,754 tỷ đồng để hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 29 xã bãi ngang ven biển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Có 253 lao động tại các xã bãi ngang tham gia đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc), trong đó, có 21 lao động thuộc hộ nghèo và 11 lao động thuộc hộ cận nghèo. Người lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thêm kiến thức, tay nghề, tác phong lao động chuyên nghiệp, có việc làm ổn định, thu nhập cao, là cơ sở để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Năm 2019, Trung ương phân bổ cho tỉnh là 2,878 tỷ đồng để thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã ngoài Chương trình 30a. Trong năm, đã triển khai xây dựng 26 mô hình với 184 hộ tham gia, kinh phí 2,31 tỷ đồng, đạt 80,26% kế hoạch. Các mô hình tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận tư liệu sản xuất, có việc làm ổn định góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của hộ nghèo. Các hộ tham gia thực hiện mô hình có thêm ý thức trong phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết lao động nhàn rỗi và tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp hiệu quả tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững tại Bến Tre - Ảnh 4.

Nhiều mô hình hay góp phần giảm nghèo bền vững

Anh Nguyễn Văn Song, ấp Bình An kể, trước kia, vợ chồng anh ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, vùng đất này bị nước măn xâm nhập không trồng trọt được, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1997, vợ chồng anh qua vùng đất Châu Bình lập nghiệp. Gần 1 năm sau, lãnh đạo xã Châu Bình cấp cho anh 2 công đất cất nhà ở và trồng trọt. Với tính cần cù chịu khó, năm 2014, anh được Hội Nông dân xã quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 40 triệu đồng. Vợ chồng anh mua 1 con bò mẹ đang mang thai về để nuôi bò sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, đến nay anh đã xuất bán được 2 bò giống và 1 bò mẹ được 21 triệu đồng. Hiện trong chuồng còn 2 con bò cái sinh sản và 2 bê con.

Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình Phạm Thị Phước cho biết: Hiện xã còn 24 hộ nghèo, trong đó có 4 hộ đang thuộc viện bảo trợ của xã, các hộ còn lại có khả năng thoát nghèo xã cũng đã xây dựng kế hoạch phân công các hội đoàn thể tiếp tục theo dõi các hộ này có nhu cầu gì trong phát triển kinh tế. Xã đang còn nguồn vốn Quỹ vì người nghèo và xã sẽ hỗ trợ mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng khi có nhu cầu mua cây, con giống phát triển kinh tế. Đối với các hộ thoát nghèo trong năm 2019, xã cũng sẽ rà soát, tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững. UBND xã cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho xã là 1 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các huyện, thành phố và các xã, thị trấn còn lồng ghép nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn từ các Dự án như: Dự án AMD, Seed to table, Heifer, oxfam,… và nguồn lực đóng góp từ người dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4% vào cuối năm 2020

Năm 2020, tỉnh tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  theo hướng tiếp cận đa chiều; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Đồng thời thực hiện kịp thời các dự án, chính sách giảm nghèo; tập trung thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo ở cơ sở; tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; duy trì họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo, phát huy nội lực, tiềm năng của chính bản thân người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp hiệu quả tạo “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững tại Bến Tre - Ảnh 5.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4% vào cuối năm 2020

Phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện Đề án sinh kế, nhất là Ban Chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo cách thức làm ăn, phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Các địa phương cần nghiên cứu các mô hình mới, hiệu quả để hướng dẫn người nghèo thực hiện. Từng địa phương phải kết nối với với các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế giáo dục, nhà ở...