Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhiều sai phạm về tài chính tại thủ phủ hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai

(Dân sinh) - Bà Trần Thùy Thanh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa ký kết luận số 15/KL-Ttr về việc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê.

Theo công văn này, vào năm 2018, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 tại huyện Chư Sê nên Thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ tiến hành kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí vào các năm 2016 và 2018.

Ém kết luận kiểm toán Nhà nước?

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về Phòng chống tham nhũng, Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê không ban hành đầy đủ kế hoạch hàng năm để thực hiện (năm 2016 không ban hành), không có hồ sơ, tài liệu thể hiện đã triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật về công tác này. Huyện này cũng chưa thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ các nội dung cần công khai, minh bạch theo quy định như: thông tin liên quan đến việc mua sắm tài sản công, quyết định phân bổ vốn đầu tư, quyết toán ngân sách, kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và đặc biệt là báo cáo kiểm toán và kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017. 

Ngoài ra, trong công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, huyện này còn nhiều thiếu sót như lập, phê duyệt danh sách người phải kê khai còn thiếu, đối tượng kê khai không khớp với danh sách đã phê duyệt, trình tự, thủ tục thực hiện không đúng quy định, không lưu trữ đầy đủ các bản kê khai, nội dung các bản kê khai tài sản hầu hết không đúng quy định nên không phản ánh được rõ ràng, chính xác thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Nhiều sai phạm về tài chính tại thủ phủ hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai - Ảnh 1.

Huyện Chư Sê

Mập mờ khoản chi 4 tỷ để lắp đặt camera

Vào năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê chi cho quốc phòng là 3,375 tỷ đồng, trong khi nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện chỉ quyết định phân bổ 1,4 tỷ đồng và bổ sung giữa nhiệm kỳ là 895 triệu đồng (vượt 47%); chi cho an ninh là 2,533 tỷ đồng, trong khi nghị quyết Hội đồng nhân dân chỉ phân bổ 500 triệu đồng và bổ sung giữa nhiệm kỳ là hơn 515,75 triệu đồng (vượt 149,4%).

Điều đáng nói là, trong các khoản Ủy ban nhân dân huyện chi cho an ninh vượt dự toán Hội đồng nhân dân huyện phê duyệt năm 2016, chưa có dự toán được phê duyệt năm 2017 và đến năm 2018 mới trình Nghị quyết phê duyệt, có khoản chi hỗ trợ cho Công an huyện số tiền 2,5 tỷ đồng để lắp đặt camera, huyện báo cáo là đã quyết toán xong. Điều đáng nói là, huyện Chư Sê đã không cung cấp hồ sơ thanh toán, quyết toán cho đoàn Thanh tra để kiểm tra với lý do... được bảo quản theo chế độ tối mật, chưa có ý kiến của Giám đốc Công an tỉnh(?). Theo cơ quan Thanh tra, việc lắp đặt camera không thuộc đối tượng công trình bí mật Nhà nước, điều này có nghĩa là huyện Chư Sê đã làm sai quy định khi không kiểm tra, đối chiếu với chứng từ khi xét duyệt quyết toán.

Năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê chưa nộp chuyển nguồn khôi phục ngân sách hoặc sử dụng nguồn khôi phục không đúng quy định với tổng số tiền là gần 7,457 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã sử dụng số tiền 411 triệu đồng từ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cấp bổ sung năm 2018 để chi nộp khôi phục ngân sách trong khi khoản này không thuộc số dư chuyển nguồn. Huyện này còn "cố tình" dùng số tiền hơn 4,574 tỷ đồng từ khoản kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo-dạy nghề, mục tiêu nông thôn mới để chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.

Cũng trong năm này, huyện Chư Sê còn "tiền trảm hậu tấu" để hợp thức hóa chứng từ. Theo đó, năm 2018, huyện Chư Sê chi cho an ninh là 3,236 tỷ đồng, trong khi nghị quyết Hội đồng nhân dân chỉ quyết 2 tỷ đồng (vượt 61,8%). Trong số này, nghị quyết Hội đồng nhân dân có nội dung cấp bổ sung cho Công an huyện 1,5 tỷ đồng để lắp đặt 10 camera. Tuy nhiên trên thực tế, khoản này đã được chi và quyết toán vào năm 2017. Nghĩa là, huyện Chư Sê đã chi và quyết toán trước rồi mới trình Hội đồng nhân dân huyện quyết định phân bổ vào năm sau. Ngoài ra, kinh phí cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ là 223,097 tỷ đồng, song Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê chỉ thực hiện phân bổ được 210,01 tỷ đồng, nghĩa là chỉ đạt 94,14%.

"Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Trong hai năm 2016 và 2018, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê đã được cấp vượt dự toán chi thường xuyên số tiền gần 215 triệu đồng, trong đó đã chi không có cơ sở, không đúng mục đich là hơn 133 triệu đồng. Văn phòng này còn thanh toán lương cho công chức trong thời gian nghỉ thai sản không đúng quy định số tiền 12,506 triệu đồng; sử dụng nguồn kinh phí không tự chủ của bộ phận một cửa, Ban tiếp công dân không đúng mục đích với số liền 51,228 triệu đồng; sử dụng gần 110 triệu đồng từ nguồn kinh phí cấp không tự chủ để chi trả và quyết toán cho các nguồn chi khác có số tiền chi vượt dự toán mà không đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh nội dung.

Cũng trong 2 năm này, Văn phòng đã chi tiếp khách từ nguồn kinh phí tự chủ và không tự chủ với tổng số tiền hơn 1,048 tỷ đồng. Trong số này, khoản tiền hơn 140 triệu đồng không có hồ sơ thanh, quyết toán đầy đủ chứng từ thể hiện đối tượng, nội dung, số lượng, định mức tiếp khách theo quy định. Ngoài ra, Văn phòng được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ Văn phòng và Thường trực Ủy ban nhân dân huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, bộ phận một cửa, ban tiếp công dân... song báo cáo tài chính đã không phản ánh tình hình tăng, giảm tài sản cố định phát sinh trong năm; hồ sơ chứng từ thể hiện thiếu biên bản bàn giao tài sản và biên bản kiểm kê hiện trạng.

Về phần Phòng Tài chính kế hoạch, Thanh tra phát hiện đã chi sai quy định hơn 1,059 tỷ đồng. Cụ thể, Phòng này đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân phân bổ cho Phòng nguồn kinh phí không tự chủ với tổng số tiền là 1,233 tỷ đồng, trong đó có kinh phí đặc thù là 720 triệu đồng. Thanh tra tỉnh Gia Lai cho rằng, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Phòng này đã không chủ động phát hiện sai phạm mà lại còn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt dự toán để cho phép Phòng chi các khoản kinh phí không tự chủ với các nội dung mang tính chất quản lý hành chính (tự chủ), trái với quy định của pháp luật về nguyên tắc quản lý tài chính với tổng số tiền gần 896 triệu đồng, chi lương không có chứng từ với số tiền hơn 10 triệu đồng; chi không đúng niên độ kế toán kinh phí không tự chủ với số tiền 153 triệu đồng. Còn Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thì bị phát hiện có sai sót trong việc lập hồ sơ thiết kế, dự toán và thanh quyết toán, thi công với số tiền sai phạm là hơn 234 triệu đồng... 

Thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ ra trách nhiệm chính khi để ra sai sót trên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê Nguyễn Hồng Linh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tâm, ông Nguyễn Đức Cường-nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch, Chánh Văn phòng và kế toán văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê... Thanh tra đã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê tổ chức kiểm điểm, kiến nghị và xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế như đã nêu. Tỉnh cũng cần chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm thu hồi, nộp số tiền sai phạm là gần 4,163 tỷ đồng vào ngân sách. Trong đó, Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê là 2,5 tỷ đồng, Văn phòng Hội đồng nhân dân & Ủy ban nhân dân huyện là gần 447 triệu đồng, Phòng Tài chính - Kế hoạch là hơn 1,06 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện là hơn 157 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê còn có trách nhiệm nộp khôi phục ngân sách tỉnh Gia Lai số tiền hơn 7,429 tỷ đồng.